.
CÙNG NHAU ĐƯA NGÀNH DU LỊCH VƯỢT KHÓ:

Bài 1: Liên kết giữa lữ hành và lưu trú

.

(ĐNĐT) - Cùng liên kết để phát triển ngành du lịch Đà Nẵng và miền Trung là vấn đề đã được nói đến từ nhiều năm nay và nhiều văn bản ghi nhớ đã được ký kết nhưng rồi chìm dần vào quên lãng. Nay, khi du lịch là ngành chịu ảnh hưởng rõ nhất của suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề liên kết lại được đặt ra, xem đây là một giải pháp quan trọng để cùng vượt khó.

Nên chăng đã đến lúc cần một sự liên kết thật sự giữa các doanh nghiệp lữ hành với lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng và giữa các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng với miền Trung với nhau?
                                                    --------

Có lẽ các doanh nghiệp ngành du lịch là những người cảm nhận rõ hơn, nhiều hơn những khó khăn đang chờ đón, khi họ đã "chịu" ngồi lại với nhau để bàn cách liên kết nhau vượt khó. Cuộc gặp giữa họ diễn ra sau khi UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch.

Thiếu liên kết vì không tin nhau?

Cuộc gặp này, theo ông Trần Ngọc Phương, Giám đốc Khách sạn Royal, diễn ra với tinh thần “chúng ta hãy nói thẳng ra những điều chúng ta còn ngại nói lâu nay”. Và các DN du lịch đã lần lượt đưa ra nhiều ý kiến, đánh giá nghiêm túc về thực trạng liên kết phát triển giữa hai khối lữ hành – lưu trú trên địa bàn thành phố suốt nhiều năm qua.

Làm sao thu hút được du khách và níu giữ họ tại Đà Nẵng quá 3 ngày là một câu hỏi đầy thách thức với các DN du lịch Đà Nẵng hôm nay.


Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Phương Đông Việt, ông Trịnh Bằng Có,  nêu lên một vấn đề rất thật. Đó là sự thiếu tin cậy, thiếu trung thực với nhau giữa các DN du lịch lữ hành và lưu trú trong ý đồ liên kết chung. Ông Có nói, trong bối cảnh hiện tại, các DN khách sạn sẽ cố gắng giảm mọi khoản phí để giảm giá, giúp các DN lữ hành thêm điều kiện mời gọi khách hàng với giá rẻ hơn. Song, DN nào sẽ làm như vậy, một khi thái độ thiếu công khai và chia sẻ với nhau vẫn còn tồn tại lẩn khuất trong tư duy mỗi lãnh đạo DN? Khi khó khăn cùng ngồi hội đàm, khi thuận lợi liệu có bao nhiêu DN cùng vui vẻ phân bổ lại nguồn lợi của nhau để cùng phát đạt?

Đây là điều băn khoăn, lấp lửng từ rất lâu mà mỗi DN du lịch khi đứng trước diễn đàn phát biểu nào cũng nghĩ đến nhưng lại không thể nói hết điều muốn nói. Đây chính là một trở ngại lớn trong vấn đề liên kết, không chỉ với ngành du lịch, khi cách đây không lâu, một lãnh đạo Chi hội Dệt may miền Trung cũng thừa nhận, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp dệt may ở Đà Nẵng và miền Trung có nguyên nhân từ sự thiếu tin tưởng nhau.

Những phân tích của các DN cho thấy, dường như bối cảnh khó khăn chung chỉ là một phần nỗi lo của họ. Thực trạng áp lực khó khăn đa số các DN phải đối đầu, hóa ra lại nằm ở chính trong cách khu xử, liên kết với nhau. Theo ông Trần Ngọc Phương, tại sao ai cũng thấy tiềm năng du lịch Đà Nẵng là rất lớn, nhưng cho đến nay thành phố vẫn chưa giải xong bài toán tổ chức hệ thống tour tuyến, lưu trú hấp dẫn, đủ sức níu giữ chân du khách ở lại trên 3 ngày.

Thực trạng mà DN du lịch nào cũng thấy, là mọi luồng khách đến Đà Nẵng đều chỉ ở lại không quá 2 ngày, nếu vào mùa đông thậm chí chỉ còn có 1 ngày. Phản hồi của họ là không biết mình nên đi đâu, mua sắm gì, giải trí nơi nào giữa thành phố này, nhất là vào buổi tối. Rõ ràng, sản phẩm du lịch của Đà Nẵng trong mắt du khách quá nghèo nàn, quá cũ kỹ, đòi hỏi các DN, chủ thể khai thác tiềm năng địa phương phải gấp rút thay đổi, sáng tạo cái mới. Nhưng một khi các DN cứ ngồi nhìn nhau, lo ngại mình đưa ra sáng kiến này chỉ làm lợi cho người khác, rồi đổ lỗi cho chính sách, cho cơ chế quản lý và đủ lý do khách quan, thì cơ hội thay đổi sẽ cứ nằm hoài trên giấy.

Hãy cùng nhìn về một hướng

Ông Nguyễn Đình Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours, nêu rõ tình hình mà tất cả các DN du lịch đang cùng phải quan tâm bằng hai câu chuyện ngụ ngôn về loài gấu ngủ đông và một người đi bắt thú quý. Bối cảnh kinh tế suy thoái toàn cầu đang tác động mạnh đến hoạt động lữ hành, tour tuyến khắp nơi và Đà Nẵng không thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng đó. Vậy, các DN “nên như loài gấu ngủ đông, nằm im chờ qua giai đoạn căng thẳng”, hay nên đối mặt khó khăn, chấp nhận miệt mài kiếm từng đồng doanh thu, tìm cơ hội dù sẽ rất hạn hữu?

Sản phẩm du lịch Đà Nẵng bị đánh giá nghèo nàn ngay trong lĩnh vực sản phẩm lưu niệm, mua sắm cho du khách.


Nếu đã chấp nhận không nằm yên “bó tay thúc thủ”, các DN cũng cần nhận chân lại đích xác giải pháp là gì. Bài học người muốn bắt thú quý dùng mồi ngon dụ nhử từng ngày, cuối cùng quây lưới bắt được nhiều hơn, đã được ông Thành lý giải là giải pháp cần thiết để các DN thay đổi cách nhìn nhận về nội lực của mình. Thay vì rút giảm mọi chi phí, các DN có nên tăng cường đãi ngộ thêm cho đội ngũ nhân lực trong tay, và có thêm nhiều chính sách hấp dẫn với khách hàng để lôi kéo họ đến? Hơn nữa, không nên chỉ biết lợi thế riêng mình, các DN đã đến lúc nhìn về một hướng, cùng tranh thủ tạo cộng đồng liên kết chặt chẽ, “anh giảm giá cho tôi, tôi hỗ trợ cho anh”, để tăng cường sức mạnh khẳng định cho ngành du lịch Đà Nẵng trong thời gian đến.

“Hãy trung thực với nhau hơn, mạnh dạn chấp nhận chia sẻ khó khăn và cơ hội, đưa ý tưởng ra để cùng suy nghĩ và triển khai, là điều mà tôi nghĩ mọi DN du lịch nên làm vào lúc này”, ông Phương kêu gọi như vậy. Dĩ nhiên ở đây, như bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Quản lý du lịch Sở VH-TT-DL, chia sẻ với các DN, thành phố cũng đã đặt ra nhiều tiêu chí và dự án phát triển du lịch trong tương lai. Đó là tiềm năng du lịch đường thủy trên sông Hàn, những phố đi bộ Bạch Đằng, các phố mua sắm... sẽ triển khai. Nhưng nói tương lai, nghĩa là ngay từ lúc này sản phẩm du lịch Đà Nẵng vẫn sẽ cứ giẫm chân tại chỗ, trong khi nỗi lo thiếu hụt du khách đã vào đến tận phòng ngủ của các khách sạn.

Vậy chỉ có cách các DN du lịch ngay từ bây giờ phải thay đổi thái độ, dám cầu thị với nhau, cùng chia sẻ tiềm năng, chấp nhận san sẻ rủi ro, chi phí, để kéo khách hàng đến. Tiếp đó, các DN cần xem xét lại thực lực các tour tuyến, các tài nguyên hiện trạng đang nắm giữ để nhanh chóng đưa ra những sản phẩm mới, có thể “ngắn ngày” nhưng rất trực quan và bổ ích để thuyết phục khách hàng.

Cộng hưởng vào đó, các DN du lịch còn có thể mở rộng thêm quan hệ liên kết với các đơn vị thương mại để đa dạng hóa các sản phẩm hỗ trợ nhu cầu du khách, tăng thêm chất lượng dịch vụ. Ông Có nhấn mạnh, những lựa chọn này có thể cho phép ngành du lịch Đà Nẵng không phải tính chuyện giảm giá ở mỗi DN thế nào, mà là cùng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng lên để tốt hơn.

Một số DN lữ hành cũng cho rằng, nếu chỉ gói gọn không gian du lịch cho du khách bằng những sản phẩm, dịch vụ trong khách sạn, nhà nghỉ, chất lượng các tour sẽ không thể đổi mới. Vậy tại sao không thể thử nghiệm, chính các cơ sở lưu trú hãy cùng lữ hành bước ra ngoài, tìm thêm cơ hội khai thác trong xã hội, như tạo điểm tham quan mới trong chính các ngôi nhà cư dân Đà Nẵng, các điểm văn hóa địa phương, những khu chợ vốn có, những làng xã trăm năm.

Đà Nẵng thực sự không thiếu những bất ngờ ở từng ngõ xóm, từng địa danh và cuộc sống thương mại mỗi ngày. Nếu các DN cùng nhìn lại để bắt tay, và nhận thêm hỗ trợ từ các cấp quản lý, cộng hưởng của các ngành hữu quan, để biến những tour tuyến tưởng chừng đơn giản nhất dạng này thành ra hấp dẫn, thì tình hình sẽ khác hẳn đi.

Ông Ngưi Sam Ted, Giám đốc điều hành Chi nhánh Công ty TNHH Công nghiệp Gốm Bạch Mã, một trong số các doanh nhân ngoài ngành cùng có mặt tại hội đàm bày tỏ, những khúc mắc của các DN du lịch Đà Nẵng nêu lên cũng là điều mà doanh nhân như ông muốn hỏi lâu nay. Thực tế kinh nghiệm khai thác du lịch xung quanh không thiếu, nhất là những nơi như Thái Lan, có nhiều điểm du lịch thực sự chỉ nhờ vào dịch vụ khéo khai thác mà có. Vậy sao các DN du lịch không học, không cùng suy tưởng để làm mới mình hơn, rồi tiến đến bắt tay nhau tạo nên bối cảnh mới cho du lịch địa phương?

Thụy Bất Nhi

-------------

Bài 2: Liên kết giữa Đà Nẵng và miền Trung

;
.
.
.
.
.