.

Sau một chuyến đi

.

Năm nay, thời gian nghỉ Tết khá dài. Nhiều người muốn nhân dịp này đi du lịch thay vì ở nhà ăn Tết như mọi năm. Hai vợ chồng tôi cũng quyết định ăn Tết bằng cách đi chơi xa. Lúc đầu, dự định đi nước ngoài, nhưng các tour đều khởi hành muộn (mồng 2 Tết), vì vậy chúng tôi chọn tour trong nước theo kiểu “ta ba lô”, tức là tự đi mà không phải qua một công ty du lịch nào cả. Nhờ có quyết định sớm nên chúng tôi mua được vé máy bay giá rẻ của hãng VN Airlines.

Tàu cao tốc từ Rạch Giá đi Cà Mau.

Điểm đến đầu tiên là đồng bằng miền Tây Nam Bộ, vùng đất đã đôi lần đến, nhưng chưa bao giờ đúng vào 3 ngày Tết, hai vợ chồng náo nức lên đường. Tôi lên mạng để được chia sẻ kinh nghiệm và chọn tuyến đi nào cho thuận tiện. Vào mạng mới thấy người ta cũng ầm ầm rủ nhau đi chơi Tết, có vài nhóm rủ nhau đi chơi miền Tây bằng xe… máy. Hình như ở Đà Nẵng chỉ có mỗi gia đình tôi là lãng mạn chọn miền Tây xa xôi. 

Chiều 29 Tết, chúng tôi tạm biệt thành phố bay vào Sài Gòn. Thực ra, khi khóa cửa trong chiều cuối cùng của năm, nhìn hoa cúc, hoa mai rộn ràng đầy phố, lòng chợt cảm thấy nôn nao... Vào đến thành phố Hồ Chí Minh phố xá đã lên đèn rực rỡ. Tối đó, chúng tôi ra tham dự lễ hội phố hoa ở đường Nguyễn Huệ.

Sáng 30, vợ chồng tôi đáp chuyến xe Sài Gòn đi Châu Đốc của hãng Mai Linh. Xe xuất phát từ bến xe miền Tây lúc 8 giờ sáng. Xe chạy đúng giờ, đúng tuyến, không đón khách dọc đường. Chúng tôi thích thú được ngắm cầu Mỹ Thuận, đi qua những vùng miền đã được nghe từ lâu như Sa Đéc, Lấp Vò, phà Vàm Cống, TP. Long Xuyên.

Xe đến Châu Đốc lúc hơn 2 giờ chiều. Sau khi tìm được chỗ ở tại một khách sạn vừa ý với giá 200 ngàn/đêm, chúng tôi tắm rửa, nghỉ ngơi rồi thuê chiếc xe máy của khách sạn đèo nhau đi thăm thú những nơi nổi tiếng của vùng này. Trước hết là núi Sam, cách Châu Đốc khoảng 6km về phía tây. Đền thờ Thoại Ngọc Hầu, Miếu bà Chúa Xứ và chùa Tây An cổ tự nằm cạnh nhau ở chân núi Sam.

Chiều 30 Tết, mọi người còn mải lo sắm sửa, bận rộn mua sắm để đón giao thừa nên khách viếng hầu như không có, chúng tôi được thoải mái tham quan các nơi linh thiêng này. Sau khi thắp nhang và thăm đền, chúng tôi hỏi đường lên đỉnh núi Sam. Theo con đường phía sau núi, chúng tôi đến đỉnh lúc ánh mặt trời vẫn còn tỏa sáng trên những cánh đồng lúa xanh mơn mởn khắp vùng đồng bằng chung quanh. Từ trên đỉnh có thể nhìn thấy biên giới Việt Nam-Campuchia, nhìn con kênh Vĩnh Tế uốn khúc xa xa và thị xã Châu Đốc nằm bên bờ sông Hậu. Khung cảnh thật thanh bình và tạo nên một cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng giữa vùng trời nước bao la.

Rời núi Sam quay lại Châu Đốc lúc phố đã lên đèn, chúng tôi chứng kiến cảnh mọi người vẫn còn đang hối hả mua hoa chưng Tết, đường phố ven sông Hậu khá nhiều người nước ngoài dạo bước, thưởng ngoạn không khí đón Tết của người mình. Buổi tối rất dễ chịu khi chúng tôi được ăn món cá heo (loại cá bằng cỡ 2-3 ngón tay) kho lạt và cá lóc nướng lá chuối.

Mồng 1 Tết, đáp chuyến xe đi Hà Tiên. Gần 3 tiếng, đến Hà Tiên lúc 11 giờ. Chọn một khách sạn mới xây, phòng ốc sạch sẽ với giá phòng chỉ 160 ngàn (giảm 20% khuyến mãi dịp Tết), chúng tôi ăn trưa với món cá dứa kho tộ và cá kẽm nấu canh. Buổi chiều tham quan núi Lăng sát ngay trung tâm thị xã, nơi có đền thờ Mạc Cửu và khu lăng mộ họ Mạc và các tướng lĩnh của họ Mạc. Sau đó thăm Thạch Động gần biên giới Campuchia.

Buổi chiều tà, chúng tôi đến Mũi Nai, được ngắm cảnh mặt trời lặn ở phía Tây của Tổ quốc. Hải sản ở Mũi Nai khá ngon, đặc sản của nơi này là món canh chua cá kẽm nấu sả, nghệ với măng tre. Trái thốt nốt có buồng giống như trái dừa xiêm nhỏ. Chúng tôi nghĩ rằng trái thốt nốt có thể uống nước như trái dừa nên hơi ngạc nhiên khi người ta bổ trái thốt nốt ra lấy cơm có vị ngọt mát làm món tráng miệng.

Mồng 2 Tết: Từ Hà Tiên đáp tàu cao tốc Vinashin ra bãi Vòng (Phú Quốc) mất 1 giờ 30 phút. Từ bến tàu đến thị trấn Dương Đông khoảng 17km. Ngay tại bến tàu có dịch vụ cho thuê xe ôm theo kiểu tín chấp, giá cả thỏa thuận trọn gói cho đến khi trả xe rời Phú Quốc. Chúng tôi thuê ngay một chiếc xe máy tự chạy vào Dương Đông tìm khách sạn. Ăn trưa tại nhà hàng Chen,  xong chúng tôi thăm Dinh Cậu, rồi xuôi theo đường đất đỏ ven biển xuống phía Nam tham quan cơ sở nuôi cấy ngọc trai của Úc, cảng An Thới, thăm di tích nhà tù Phú Quốc, bãi Sao, làng chài Hàm Ninh và tham quan suối Đá Bàn.

Mồng 3 Tết: Trả xe ôm ngay tại bãi Vòng, chúng tôi lên tàu cao tốc về Rạch Giá mất 2 giờ 30 phút. Từ bến tàu đi bộ khoảng 500m đến thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực. Chúng tôi rất ấn tượng về con người tuổi trẻ, tài cao và chí khí lớn này. Ông là thủ lĩnh phong trào chống Pháp ở đồng bằng Tây Nam Bộ lúc mới 23 tuổi. Lúc giặc Pháp hành hình, ông mới 30 tuổi và để lại đời câu nói bất hủ: “Bao giờ nước Nam hết cỏ mới hết người Nam đánh Tây”. Từ Rạch Giá đáp tàu cao tốc (loại nhỏ chạy trên kênh rạch chở khoảng 20-30 người) đi Cà Mau hết 3 giờ. Tại Cà Mau đi tham quan đất Mũi và rừng U Minh Hạ và dùng một số thức ăn đặc sản vùng này như rắn, một số cá có vẻ lạ như cá mao nấu mẻ, thịt trắng và thơm.

Mồng 5 Tết: Chúng tôi quay lại TP. Hồ Chí Minh. Qua phà Cần Thơ bị kẹt xe gần 5 giờ, chỉ mong cầu Cần Thơ hoàn thành sớm thì giao thông đến vùng đất phía Nam sông Hậu mới thuận tiện. Đến TP đáp máy bay chuyến 20 giờ về lại Đà Nẵng, kết thúc chuyến đi 7 ngày. Dù phải đi lại nhiều và liên tục nhưng do chủ động bố trí thời gian kết hợp nghỉ ngơi nên chúng tôi thấy khá thoải mái.

Vùng đất miền Tây Nam Bộ để lại nhiều dấu ấn đối với chúng tôi. Trước khi đi, tôi đọc lại quyển Miếng ngon Hà Nội,  món lạ miền Nam của nhà văn Vũ Bằng để mong vào đây có dịp thưởng thức những món như thịt chuột, đuông, cháo cóc hay rơi huyết… mà ông đã viết rất hấp dẫn. Lần này chúng tôi đi nhiều nơi nhưng chẳng tìm được những món lạ đó vì không đến đúng nơi, không đúng dịp hoặc không có duyên.
 
Tuy nhiên, vùng đất này lắm thức ăn mà quê mình không có, nhất là các loại cá nước ngọt hay nước mặn đặc trưng ở đây. Có lẽ nhờ đó mà nước mắm ở Châu Đốc hay Hà Tiên rất ngon. Vùng đất này tuy mới nhưng có nhiều danh nhân nổi tiếng trong sự nghiệp khai phá miền Hậu Giang và chống giặc giữ nước của dân tộc ta. Được đi thăm và thắp nén hương tưởng niệm tại những nơi các anh hùng dân tộc đã anh dũng hy sinh trong những ngày Tết quả là một điều thú vị và tự hào của chúng tôi.

Việc đi tham quan du lịch ở nước ta, nhất là trong ngày Tết, tuy còn mới nhưng đã được nhiều người thực hiện. Chúng tôi ghi lại vài dòng những trải nghiệm của chuyến đi, chi phí cả hai người chỉ tốn chưa đến 7 triệu đồng, quả thật cũng rất đáng cho chúng ta làm một chuyến đi để biết thêm những vùng đất mới để càng thêm yêu quý Tổ quốc ta.

HẢI NGUYÊN

;
.
.
.
.
.