.
Nước Việt mến yêu

Mâm xôi ngũ sắc

.

Tết đã qua được mấy tuần lễ rồi, nhưng dư vị ngày Tết dường như vẫn còn vương vất cùng với mùa xuân và lễ hội. Tết vừa qua tôi được chia sẻ với cộng đồng người Thái ở Nghĩa Lộ quả là một cái Tết thật thú vị.

Theo đoàn phóng viên Đài Truyền hình Trung ương lên Mường Lò đúng vào dịp bà con ở đây đang náo nức chuẩn bị Tết. Đương nhiên, mâm cỗ ở đâu cũng vậy, có nhiều nét chung.

Có thịt gà luộc, có thịt lợn, có mâm xôi, có chai rượu soạn sửa đủ đầy để đưa lên bàn thờ thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, khấn lạy trời đất, thổ thần. Nhưng có một món ăn mà người miền xuôi không thấy có. Ấy là mâm xôi ngũ sắc: Đỏ, vàng, tím, xanh và trắng.

Để làm cỗ xôi ngũ sắc, trước đó người Thái vùng Mường Lò này đã phải chuẩn bị một loại nếp nương đặc sắc, hạt tròn mẩy đều tăm tắp, có hương vị thơm nồng, ấm áp, được gieo trồng ở Tú Lệ, nổi tiếng đến mức, chính tên địa phương được đặt cho tên loại nếp này: nếp Tú Lệ. Bà con vào rừng tìm kiếm một số cây lá và hoa rừng để nhuộm nếp trước khi cho xôi vào chõ để đồ.

co khảu cắm, tạo màu tím. Lá co khẩu đeng tạo màu đỏ. Để tạo màu vàng, dùng củ hản mẫu có màu vàng như nghệ. Co khẩu khiêu tạo màu xanh, v.v... Ngoài mấy loại hoa lá tạo màu, xôi còn được tẩm một loại hương liệu tạo mùi thơm đặc biệt cũng được lấy từ cây cỏ núi rừng. Hoa này mỗi năm chỉ có một lần vào tháng hai âm lịch.

Bởi vậy, vào tiết trời tháng hai ấm áp, các chị, các mẹ rủ nhau vào rừng lấy hoa về phơi khô, để dành Tết sau đồ xôi ngũ sắc. Mỗi loại lá cây hay củ tạo màu, đem về rửa thật sạch rồi giã nhỏ, lọc lấy nước. Sau khi xôi được trộn trong chậu nước tạo màu một khoảng thời gian nhất định thì mới đưa nếp vào chõ.

Cũng cây lá rừng đó nhưng màu sắc hiện lên mâm cỗ cũng có khác nhau đôi chút. Màu đỏ có thể đỏ thẫm, cũng có thể đỏ nhạt, tùy sự khéo tay và kinh nghiệm của mỗi người, mỗi gia đình. Đó là cả một nghệ thuật và kinh nghiệm không phải ai cũng có. Trong bản, những người phụ nữ giỏi đồ xôi sắc màu tươi tắn, được dân chúng tôn trọng đặc biệt. Ngày lễ hội bản làng, họ được mời tới đặc trách chăm lo mâm xôi. Khi xôi đã được bày lên mâm cỗ đầy đủ 5 màu: Đỏ, vàng, xanh, tím, trắng, trông như 5 cánh hoa rực rỡ.

Không chỉ tạo vẻ đẹp đầy màu sắc cho mâm xôi, đĩa xôi mà xôi ngũ sắc trong quan niệm cổ truyền, thể hiện quan niệm nhân sinh, thế giới vây quanh cuộc sống, gắn liền khao khát, hy vọng, gửi gắm số phận của từng gia đình, làng bản. Màu đỏ của xôi tượng trưng cho niềm khát khao tạo dựng cuộc sống, màu vàng là màu của no ấm, sung mãn, màu xanh là màu của núi rừng, màu của mùa xuân tươi tắn...

Mâm xôi ngũ hành không chỉ của riêng người Thái Mường Lò, mà là đặc sắc của một số dân tộc có cuộc sống chung trên vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc. Có lẽ đó cũng là một nét giao thoa văn hóa đặc sắc giữa các dân tộc anh em trong cộng đồng.

Tết năm trước, tại Trung tâm Văn hóa thành phố Yên Bái đã trưng bày một mâm xôi ngũ sắc kỷ lục, nặng 1,2 tấn. Đây là mâm xôi lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.

NGUYÊN PHƯỚC

;
.
.
.
.
.