.

Về Hòa Bắc

.

Một ngày chủ nhật giữa tháng 8, về với thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) để tận hưởng một ngày nghỉ cuối tuần thú vị tại Khe Lạnh và có những trải nghiệm mới về cuộc sống của những người dân nơi đây.

Du khách dừng chân trên đường vào Khe Lạnh.
Du khách dừng chân trên đường vào Khe Lạnh.

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng hơn 35km về hướng Tây Bắc, dọc con đường ĐT601, men theo triền sông Cu Đê, mất khoảng 45 phút đi xe máy, chúng tôi đã về với xã miền núi Hòa Bắc. Từ trung tâm UBND xã, đoàn chúng tôi đi gần 7km nữa mới đến thôn Tà Lang. Chúng tôi được bác Nguyễn Văn Trung, một cựu thanh niên xung phong thông thuộc địa hình nơi này làm “hướng dẫn viên” đưa đến Khe Lạnh. Chân mang đôi dép cao su, đội mũ rộng vành, mang ba lô gồm thức ăn, nước uống, những chiếc võng, đàn ghi-ta và không quên chiếc máy ảnh để ghi lại những tấm ảnh đẹp của núi rừng, chúng tôi đi bộ gần 2km nữa trên con đường đất đỏ, qua các dòng suối đã cạn khô nước, trơ từng lớp đá trắng phau để đến với Khe Lạnh.

Vào đến Khe Lạnh, bỏ qua tất cả những oi bức trên đường đi, cảm giác của chúng tôi lúc này là sự khoan khoái trước khung cảnh núi rừng hùng vĩ và không khí mát mẻ. Ngay lập tức, một tốp nghỉ chân bên những tảng đá lớn, tốp còn lại thỏa thích ngâm mình dưới dòng nước mát của Khe Lạnh. Buổi trưa, đoàn chúng tôi cùng ăn thịt heo rừng nướng, nghỉ lưng trên những chiếc võng đã được bác Trung mắc sẵn. Nghe những tiếng chim chuyền cành, tiếng suối chảy róc rách và cảm nhận được sự thanh thản, thả hồn mình vào giữa bạt ngàn núi rừng...

Quãng đường đi đến Khe Lạnh có vẻ dài đối với những ai chưa quen đi bộ, nhưng đối với chúng tôi, những người thích khám phá và trải nghiệm thì đây lại là một chuyến đi bổ ích và đầy lý thú. Chú Phước Dũng cho biết: “Một chuyến đi tuy hơi vất vả nhưng bù lại, chúng ta có thể khám phá được một điểm đến hay. Khi về thành phố, chúng tôi sẽ nhớ mãi nơi này và sẽ kể cho bạn bè về  hành trình thú vị ngày hôm nay”.

Hòa Bắc được biết đến là một địa điểm hấp dẫn với rừng núi hữu tình và những con suối, những bãi đá đẹp. Song do đường sá xa xôi, hơi khó đi và cũng chưa có những dịch vụ du lịch đi kèm phù hợp nên Hòa Bắc chưa thu hút nhiều khách du lịch đến đây. Hầu hết khách du lịch đến với Hòa Bắc đi dã ngoại theo nhóm bạn hoặc nhóm gia đình… Bác Trung cho biết: “Đây là những chuyến đi khám phá thú vị nhưng chỉ thích hợp với những ai có “máu” dã ngoại và quan trọng là phải có sức khỏe. Tùy vào mỗi đoàn khách để mình có thể chọn lựa những điểm đến phù hợp. Nếu đoàn trẻ, khỏe thì có thể khám phá thác Sà Nai, khe Mun, còn nếu đoàn có những người sức khỏe yếu hơn thì vào Khe Lạnh, Đá Bò hoặc đi khám phá Hố Bột… Lên với Tà Lang-Hòa Bắc, ngoài đi tắm và ngoạn cảnh ở các con suối, du khách còn có thể ăn các món ăn đặc trưng của núi rừng và thưởng thức văn hóa tinh thần của đồng bào Cơtu qua những điệu múa hát”. Và có lẽ, ý tưởng tìm những điểm đẹp để dẫn bạn bè, anh em đến thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi là tâm nguyện của cô Lê Thị Thanh Tam (vợ bác Trung) khi từ chiến trường trở về, đã ở lại và chia sẻ nỗi vất vả cùng đồng bào dân tộc nơi đây.

Rời Tà Lang trong tình cảm nồng hậu của người dân dành cho chúng tôi. Tà Lang còn “nợ” chúng tôi là chưa được đi bắt cá liên hoặc tìm những chú ốc đá bên bờ suối, chưa được đốt lửa trại và múa những điệu múa cùng đồng bào Cơtu. Vì vậy, trong một thời gian gần nhất, chúng tôi hẹn sẽ về lại với Tà Lang…

Bài và ảnh: THANH TÌNH
 

;
.
.
.
.
.