Khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường biển và đường hàng không ngày một đông. Dù lưu lại dài ngày hay ngắn ngày thì đây chính là cơ hội của ngành du lịch Đà Nẵng.
Du khách phấn khởi trước sự đón tiếp nồng hậu và nhiệt tình của lãnh đạo ngành du lịch thành phố cùng các đơn vị lữ hành. |
Nhiều đơn vị giữ chân du khách bằng cách khai thác, đưa ra những sản phẩm đặc trưng, truyền thống địa phương.
Theo anh Huỳnh Minh Hoàng, Trưởng phòng Vận chuyển, hướng dẫn kiêm điều hành trung tâm tàu biển miền Trung, Công ty Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng, khách tàu biển cập cảng Tiên Sa chủ yếu là khách châu Âu và Trung Quốc. Mỗi chuyến tàu biển chở khoảng 1.000-1.500 khách, mức chi tiêu của thị trường khách này tại các siêu thị khoảng 200.000 đồng/người.
Bên cạnh các tour tham quan Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn, khách Trung Quốc rất thích xem các chương trình nghệ thuật tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Khách Âu, Mỹ lại chuộng các tour tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, di sản như tour xích lô vòng quanh thành phố, tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Danh thắng Ngũ Hành Sơn hoặc tour đi xe đạp ở làng rau Trà Quế (Hội An)…
Nhiều năm khai thác khách tàu biển, anh Lê Tất Thưởng, Phụ trách tàu biển Chi nhánh Công ty Destination Asia tại Đà Nẵng cho biết, khách Âu, Mỹ rất thích các sản phẩm tour gần gũi với thiên nhiên, nên những năm gần đây, ngoài những điểm đến nổi tiếng, công ty đưa thêm các điểm đến như tham quan chùa Linh Ứng, thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Tại thôn Phong Nam, du khách đi bộ thăm một số ngôi nhà cổ, đình làng Phong Lệ, được thấy cảnh mua bán của chợ quê, thăm trường mầm non tại thôn… “Những nét dân dã, thôn quê tại thôn Phong Nam khiến du khách rất hào hứng và thích thú”, anh Thưởng cho hay.
Dù lượng khách tàu biển có sự sụt giảm đáng kể so với mùa khách tàu biển năm trước, nhưng trong dịp Tết Nguyên đán 2015, Đà Nẵng đã đón các chuyến tàu của các hãng Germini, Costa Victoria, Volendam… cập bến, đưa 3.200 lượt khách đến tham quan thành phố. Bên cạnh đó, sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình và chu đáo của lãnh đạo ngành du lịch thành phố cùng các đơn vị lữ hành cũng khiến du khách rất hào hứng và phấn khởi.
Nhiều du khách trên chuyến bay VN431 của Vietnam Airlines khởi hành từ thành phố Seoul, Hàn Quốc khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng trong ngày đầu năm đã không giấu được sự ngạc nhiên khi được tặng hoa và nhận những lời chúc mừng năm mới. Đây là những điểm nhấn của Đà Nẵng, tạo được ấn tượng tốt đẹp với du khách ngay khi họ đặt chân đến thành phố.
Dù có nhiều lợi thế, nhưng theo TS Tsu Hong Yen, Khoa Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học San Jose, cùng với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, Đà Nẵng phải xác định được sự phát triển dịch vụ của địa phương mình, từ đó có chiến lược quảng bá tới từng đối tượng khách. Đồng thời phải xây dựng những chương trình trình diễn nghệ thuật riêng của mình dựa trên nền tảng văn hóa địa phương. Các sản phẩm giải trí này phải đáp ứng được sự kỳ vọng của du khách, có như vậy mới tạo được sức hút và giữ chân được du khách dài ngày.
Theo kết quả điều tra của Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ, số đêm bình quân của du khách đến Đà Nẵng nói chung là 4,13 đêm, trong đó khách quốc tế ở lại 6,01 đêm, khách nội địa là 3,29 đêm; 79,11% khách quốc tế đến Đà Nẵng lần đầu; 11,56% khách đến lần thứ 2; 33% khách nội địa đến lần đầu và có tới 29,18% khách nội địa đến lần thứ 3. |
Bài và ảnh: NHẬT HẠ