.

Thiệt hại do bão Nargis ở Myanmar “ngày càng khủng khiếp hơn”

.

“Những thông tin chúng tôi nhận được cho thấy số người thiệt mạng lên đến hơn 100.000 nạn nhân”, đại diện ngoại giao của Mỹ tại Rangoon - Shari Villarosa, phát biểu. Con số này cao gấp năm lần số liệu Chính phủ Myanmar thống kê trước đó.

Nhân viên không quân Ấn Độ đang vận chuyển hàng cứu trợ tại sân bay New Delhi.

Con số mà Mỹ đưa ra dựa trên các dữ liệu của một tổ chức phi chính phủ, nhà ngoại giao Mỹ nói mà không nêu tên. Bà Villarosa cho biết, tình hình tại Myanmar đang ngày càng khủng khiếp hơn. Phần lớn sự tàn phá là do những đợt sóng cao gần 4m gây ra.

Gần đây, Chính phủ Myanmar ước tính, số nạn nhân thiệt mạng lên tới 70.000 người, tập trung ở vùng châu thổ. Chỉ tính riêng ở thành phố Bogalay, đã có ít nhất 10.000 người chết. Đại biện Mỹ tại Rangoon nói thêm, khoảng 95% số tòa nhà ở vùng châu thổ đã bị phá hủy khi bão Nargis tấn công khu vực này vào đêm thứ sáu và kéo dài sang ngày thứ bảy. Bão Nargis cũng gây ra sóng lớn ập vào đất liền. Quan chức này còn cho biết, ở vùng châu thổ sông Irrawaddy, khoảng 70.000 người mất tích chứ không phải chỉ 41.000 người như con số mà chính quyền Myanmar đưa ra.
Nhiều người dân vũng bão ở Myanmar vẫn đang trong tình trạng thiếu nước uống trầm trọng.

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice một lần nữa kêu gọi chính quyền Myanmar cho phép chuyển viện trợ vào nước này. Ngoài ra, bà Rice cũng đang thảo luận với lãnh đạo các nước khác nhằm thuyết phục lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này. Mỹ cũng đã cam kết viện trợ cho Myanmar 3,25 triệu USD và gửi tàu hải quân tới khu vực này để hỗ trợ công việc cứu trợ, nếu Chính phủ Myanmar chấp thuận. Quân đội Mỹ cũng đưa 6 chiếc trực thăng chở hàng tới một căn cứ không quân của Thái Lan trong khi Washington chờ sự đồng ý của Myanmar.

Ông John Holmes, phụ trách các vấn đề nhân đạo cấp cao của LHQ, đã kêu gọi Myanmar bỏ những hạn chế về thị thực, vốn đang làm chậm các nỗ lực đưa chuyên gia cứu trợ tới nước này và hàng tiếp tế cho gần 1 triệu người bị ảnh hưởng bởi bão Nargis. Tại nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như Ayeyawaddy và Yangon, những người sống sót thiếu lương thực, nước uống trầm trọng và có nhiều nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, đường sá và cầu bị hư hỏng nặng khiến công tác cứu trợ trở nên khó khăn.

Cho tới thời điểm này đã có 24 quốc gia cam kết hỗ trợ tài chính cho Myanmar với tổng số tiền lên tới trên 30 triệu USD gồm Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Australia, Canada, Bangladesh. Thủ tướng Myanmar Thein Sein đã dẫn đầu 4 đơn vị bộ binh với 7 trực thăng, 70 tàu, thuyền đến các khu vực bị thiệt hại nặng để tiến hành công tác cứu trợ khẩn cấp. Theo một quan chức LHQ, khoảng 5.000 km2 ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện vẫn chìm trong nước. Dựa trên bản đồ do LHQ cung cấp, bão Nargis đã tàn phá ở một vùng rộng hơn 30.000km2, dọc biển Andaman và Vịnh Martaban, nơi cư trú của gần 1/4 trong số 57 triệu người Myanmar. Nhân viên các tổ chức nhân đạo đã tập trung tại Sứ quán Myanmar ở Bangkok, Thái Lan cùng với xe, lương thực cứu trợ khẩn cấp và thuốc men để chờ được cấp visa.

GIA HUY (Theo CNN, AP)

;
.
.
.
.
.