.

Mỹ gia tăng trừng phạt, Nga tức giận

.

Nga gọi việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Mátxcơva là hành động thấp hèn và Điện Kremlin có thể trả đũa.

Thủ tướng Ukraine kiểm tra các vũ khí thu giữ từ lực lượng ly khai được cho là thân Nga tại thị trấn Slaviansk.          						         Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ukraine kiểm tra các vũ khí thu giữ từ lực lượng ly khai được cho là thân Nga tại thị trấn Slaviansk. Ảnh: Reuters

Ngày 17-7, Nga phản ứng tức giận với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cáo buộc Washington đang “tống tiền” Liên minh châu Âu (EU), buộc liên minh này cũng phải gia tăng cấm vận. Cụ thể, Mỹ lần này nhằm vào các tập đoàn năng lượng lớn nhất và nhì của Nga: Rosneft và OA Novatek. Đơn vị thứ ba có tên trong “danh sách đen” của Mỹ là Gazprombank, ngân hàng lớn thứ ba của Nga. Những diễn biến mới nhất làm căng thẳng giữa Mátxcơva với phương Tây càng thêm nghiêm trọng.

“Hành động tống tiền”

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này xem các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là nỗ lực trả đũa khi những gì diễn ra ở Ukraine không đi theo kịch bản của Washington. Cơ quan này cho rằng, trong cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ đang tìm cách đổ lỗi cho Mátxcơva và đây là hành động thấp hèn, thậm chí có thể là “con dao hai lưỡi”. “Chúng tôi sẽ không dung thứ cho hành vi bắt nạt của Mỹ và sẵn sàng thực thi quyền các biện pháp trả đũa”, tuyên bố nêu rõ.

Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ thất vọng khi EU không hề phản đối “hành động tống tiền” của Washington. Trái lại, liên minh gồm 28 thành viên còn hùa theo Mỹ, “đi ngược lại lợi ích của chính mình bằng cách áp đặt trừng phạt Nga”, mặc dù EU chỉ yêu cầu các ngân hàng đầu tư và phát triển ngưng các thỏa thuận tài chính với Nga.

Việc Mỹ và EU gia tăng trừng phạt Nga không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát. Ngay khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ) trong những ngày qua, đã có những đồn đoán rằng, liên minh này sẽ có những động thái mới đối với Nga. Washington và Brussels chỉ trích Nga kích động bạo lực ở phía đông Ukraine nên đã mở rộng việc trừng phạt, mặc dù Mátxcơva luôn bác bỏ điều này. Những ngày gần đây, Washington và Brussels còn cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cử khoảng 12.000 binh sĩ đến khu vực biên giới Ukraine. Theo lý giải của các lãnh đạo phương Tây, biện pháp trừng phạt mới chủ yếu gây áp lực để Mátxcơva buộc lực lượng phiến quân ở đông Ukraine kết thúc cuộc nổi dậy.

Các nhà phân tích nhận định: việc Mỹ cấm vận ngành tài chính, năng lượng và sản xuất vũ khí của Nga là đòn giáng nặng nề nhất của Washingon kể từ khủng hoảng Ukraine bùng nổ. Trong khi đó, theo Reuters, với mục tiêu là những tập đoàn lớn của Nga, Mỹ muốn nhằm vào các đồng minh của Tổng thống Putin.

Điều đáng nói là ngay sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn, thị trường chứng khoán Nga sụt giảm mạnh trong ngày 17-7. Giá cổ phiếu trên sàn giao dịch MICEX sụt tới 2,5%, trong khi sàn RTS giảm 3,44%. Giá cổ phiếu Rosneft giảm 5,4%, OA Novatek giảm 6,8%. Không những thế, giá đồng ruble giảm mạnh.

Quan hệ Mỹ - Nga bên “bờ tử thần”

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không có các bước đi cụ thể để giảm xung đột ở Ukraine. Reuters dẫn lời người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng, ông Putin đã thất bại trong việc giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Điện Kremlin khẳng định hành động của Mỹ không những làm phức tạp quan hệ giữa Mátxcơva với Washington, làm tổn thương quan hệ song phương mà còn gây hại cho chính các công ty năng lượng của cường quốc hàng đầu thế giới. “Không còn nghi ngờ gì trong trường hợp này, các lệnh trừng phạt đang đẩy quan hệ Nga - Mỹ tới bờ tử thần và sẽ gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho họ”, ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga vẫn tỏ hy vọng nước ông và Mỹ có thể tìm được tiếng nói chung và giải quyết bất đồng bằng con đường ngoại giao. “Chúng tôi chưa đóng cửa cho tiến trình đàm phán”, Tổng thống Putin khẳng định.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.