Quốc tế

Lãnh đạo Đức tuần hành để hòa giải tôn giáo sau vụ tấn công ở Paris

10:22, 14/01/2015 (GMT+7)

Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Joachim Gauck ngày 13/1 đã tham dự một cuộc tuần hành do những người Hồi giáo tổ chức.

Lãnh đạo Đức tập trung tại Cổng Brandeburg trước cuộc tuần hành (Ảnh BBC)
Lãnh đạo Đức tập trung tại Cổng Brandeburg trước cuộc tuần hành (Ảnh BBC)

Các nhà tổ chức cho biết, sự kiện này nhằm lên án vụ tấn công tại Paris và thể hiện sự đoàn kết với các nạn nhân trong vụ tấn công nói trên.

Ngoài ra, cuộc tuần hành cũng nhằm phản đối các cuộc biểu tình chống đạo Hồi do tổ chức “Những người yêu nước tại châu Âu phản đối đạo Hồi tại phương Tây” (Pegida) trên toàn nước Đức tiến hành.

Cuộc biểu tình mới nhất của Pegida đã diễn ra ngày 13/1 tại Dresden với sự tham gia của khoảng 25.000 người. Trước đó, các cuộc biểu tình của tổ chức này cũng đã diễn ra tại nhiều thành phố của Đức ngày 12/1.

Phát biểu tại Cổng Brandenburg, Tổng thống Guck nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều là người Đức. Nước Đức đã trở nên đa dạng hơn với sự du nhập cả về tôn giáo, văn hóa và tư tưởng. Sự đa dạng này đã giúp nước Đức giành được nhiều thành công, được quan tâm và yêu thích”.

Pegida là gì?

Tổ chức này có tên gọi là “Những người yêu nước tại châu Âu phản đối đạo Hồi tại phương Tây”.

Được sáng lập tại Dresden bởi nhà hoạt động xã hội Lutz Bachmann vào tháng 10/2014.

Đây là tổ chức do các nhóm cực hữu tại Đức bảo trợ và nhận được sự ủng hộ chủ yếu từ các tổ chức phát xít kiểu mới và những tên hooligan tại Đức.

Tổ chức này đã từng tiến hành nhiều cuộc biểu tình trên đường phố nhằm phản đối việc gia tăng tầm ảnh hưởng của đạo Hồi tại các nước châu Âu mà tổ chức này cho là “rất nguy hiểm”.

Pegida tuyên bố các thành viên của mình không phải là những kẻ phân biệt chủng tộc hay là những kẻ bài ngoại.

Tổ chức này công bố bản tuyên ngôn 19 điểm trong đó nêu rõ các phong trào của Pediga là nhằm phản đối những kẻ cực đoan và bảo vệ Thiên chúa giáo tại Đức.

Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng Hồi giáo tại Đức Aiman Mazyek tuyên bố trước đám đông những người tham gia tuần hành: “Chúng ta sẽ sát cánh cùng nhau vì một nước Đức cởi mở hơn với thế giới bằng một trái tim rộng lượng và sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận, báo chí và tôn giáo”.

Cuộc tuần hành này tại Đức cũng đã được các hãng truyền thông nước này phát trực tiếp trong một chương trình đặc biệt mang tên: “Nước Đức là Charlie” và có sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp của Đức, các chức sắc đạo Thiên Chúa giáo và Hội đồng Do Thái tại Đức.

Hội đồng Hồi giáo tại Đức và Cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin đã cùng tuyên bố: “Chúng tôi, những người Hồi giáo muốn nói rằng, chúng ta cần phải sát cánh với nhau. Chúng tôi không phải là khủng bố”.

Dù không trực tiếp tham gia phát biểu trong cuộc tuần hành này, Thủ tướng Đức vẫn cảm ơn 4 triệu người Hồi giáo tại Đức vì đã nhanh chóng lên tiếng phản đối vụ tấn công tại Paris.

Trước đó, ngày 12/1, bà Merkel nhấn mạnh đạo Hồi là một phần của nước Đức và sẽ không có chỗ cho sự thù hận, phân biệt chủng tộc và cực đoan tại đây.

Dự kiến, ngày 16/1 tới, bà Merkel sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Đức trong một phiên họp đặc biệt nhằm tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công tại Paris.

VOV

.