Quốc tế

Nga giảm cấp khí đốt, châu Âu nháo nhào

15:17, 16/01/2015 (GMT+7)

Ngày 15-1, Nga đã cắt giảm khí đốt cấp cho cho châu Âu, đẩy lục địa này vào cuộc “khủng hoảng trong vài giờ”, trong bối cảnh xung đột Ukraine leo thang.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) làm việc với Tổng Giám đốc Alexander Miller hôm 14/1. Ảnh: EPA
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) làm việc với Tổng Giám đốc Alexander Miller hôm 14-1. Ảnh: EPA

Buổi sáng, các công ty khí đốt ở Ukaine xác nhận phía Nga hoàn toàn dừng việc cấp khí. Liền sau đó, 6 nước châu Âu khác là Bulgaria, Hy Lạp, Macedonia, Romania, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng rơi vào tình cảnh không nhận được một dòng khí nào từ Nga trung chuyển qua Ukraine. Croatia cho biết đã phải tạm thời giảm cung cấp khí đốt cho các khách hàng công nghiệp, còn Bulgaria thì nói rằng chỉ còn đủ khí cho “vài ngày và đang trong tình thế khủng hoảng”.

Liên minh châu Âu (EU) đã buộc phải ra thông báo, nói rằng “nguồn cung khí đốt tới một vài nước thành viên đã bị cắt giảm lớn, do việc dừng cung cấp mà không báo trước, đi ngược lại những cam kết mà lãnh đạo cấp cao nhất của Nga và Ukraine đưa ra đối với EU. Cộng hòa Séc, nước hiện giữ cương vị Chủ tịch EU và Hội đồng châu Âu (EC) yêu cầu khôi phục ngay lập tức việc cấp khí đốt tới EU, đề nghị 2 bên nối lại các cuộc hội đàm nhằm giải quyết những tranh cãi thương mại”.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lệnh cho Tập đoàn Gazprom cắt giảm 3/5 lượng khí đốt sang châu Âu qua đường ống chạy qua Ukraine, giữa lúc Moskva cáo buộc nước láng giềng có hành vi “trộm khí”. Còn Kiev thì nói rằng, hành động của Nga xuất phát từ việc muốn gây sức ép với Ukraine về giá và cách thức thanh toán - những vấn đề tồn tại lâu nay giữa hai bên.

Khoảng 80% lượng khí đốt Nga xuất sang EU chạy qua Ukraine. Tác động vì thế sẽ rất lớn. “Phía Nga đã giảm mức sản lượng từ 221 triệu m3 khí/ngày xuống còn 92 triệu m3 khí/ngày mà không đưa ra lời giải thích nào”, ông Valentin Zemlyansky, phát ngôn viên Tập đoàn khí đốt Nhà nước Ukraine Naftogaz nói.

Nga thay
Nga thay "Dòng chảy phương Nam" (màu vàng) bằng "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" (màu xanh). Ảnh: Parapolitika

Diễn biến mới này xuất hiện ngay sau khi Moskva phát đi thông điệp, Nga sẽ chuyển toàn bộ lượng khí đốt cho châu Âu quá cảnh qua Ukraine hiện nay sang tuyến đường ống mới dự kiến chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch Hội đồng năng lượng EU Marcos Sefcovic hôm 14-1, Tổng giám đốc Gazprom, ông Alexei Miller, cho biết Tập đoàn này dự định sẽ sớm triển khai tuyến đường ống chạy qua biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ, có khả năng cung ứng 63 tỉ m3 khí/năm. Sẽ có những trạm cung ứng đặt ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp.

Cũng trong một thông báo bằng email, ông Miller bày tỏ: Các khách hàng châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy hiểm về trung chuyển khí qua Ukraine và không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trông cậy vào tuyến Đường ống Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream), được xem là thay thế cho Dự án Dòng chảy phương Nam.

“Chúng tôi đã thông báo cho các đối tác châu Âu và giờ thì mọi việc tùy thuộc vào họ trong việc có xây tuyến đường ống đấu nối vào các trạm cung cấp ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp hay không”, Tổng Giám đốc Gazprom nói.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói với các phóng viên rằng, việc chuyển đổi dòng khí từ Ukraine qua Thổ Nhĩ Kỳ không làm xấu đi hình ảnh của Nga, vì “Nga luôn là một đối tác cung cấp khí đốt tin cậy và không bao giờ vi phạm các quy định. Quyết định đã được đưa ra, chúng tôi đang đa dạng hóa và loại bỏ các nguy cơ đến từ những nước không tin cậy được, như những gì đã từng diễn ra trong nhiều năm qua - điều mà một số khách hàng châu Âu từng nếm trải”.

Về phần mình, ông Sefcovic bày tỏ sự “ngạc nhiên” trước các bình luận của phía Nga, nói rằng việc dựa vào tuyến đường ống Thổ Nhĩ Kỳ và không có dính dáng gì đến Ukraine “sẽ không phù hợp với hệ thống khí đốt của EU”.

Theo Tin tức

.