Quốc tế

Triều Tiên tiếp tục đề nghị đàm phán trực tiếp với Mỹ

11:52, 14/01/2015 (GMT+7)

ĐNĐN - Ngày 13-1, Triều Tiên đã đề nghị đàm phán trực tiếp với Mỹ về việc dừng các vụ thử hạt nhân của mình; đồng thời gợi ý rằng, đối thoại có thể đặt nền móng cho các thay đổi trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un (giữa) đang thăm một đơn vị phòng không thuộc Quân đội Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un (giữa) đang thăm một đơn vị phòng không thuộc Quân đội Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Trong một thông điệp chuyển cho phía Mỹ hôm thứ Sáu (9-1), Bình Nhưỡng đã đề nghị sẽ dừng các vụ thử hạt nhân nếu Mỹ tạm hủy các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Đổi lại, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gọi đây là một “lời đe dọa ẩn ý” nhưng cũng cho biết, Mỹ “để ngỏ khả năng đối thoại” với Bình Nhưỡng.

Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, An Myong Hun phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, Triều Tiên vẫn giữ nguyên đề nghị nói trên. Theo đó, đại diện Triều Tiên cho biết: “Chính phủ Triều Tiên sẵn sàng giải thích ý định của mình đằng sau lời đề nghị trực tiếp với Mỹ. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc đó, nếu Mỹ muốn giải thích thêm về lời đề nghị này”.

Đại diện Triều Tiên cho thấy rằng, các cuộc đàm phán sẽ dẫn tới những cam kết rộng lớn hơn. “Nếu lời đề nghị này được thực hiện trong năm nay, nhiều thứ có khả năng xảy ra. Tôi không thể nói thêm nhưng nhiều thứ có khả năng xảy ra trong năm nay”.

Hiện Mỹ có 30.000 quân thường trực tại Hàn Quốc và tiến hành các cuộc tập trận thường niên với đồng minh. Việc này luôn bị Triều Tiên phản đối mạnh mẽ vì coi đây là hành động thao dượt chống Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ, Hàn Quốc vẫn bảo vệ lý lẽ đây đơn thuần là sự phòng bị.

Triều Tiên từng tiến hành 3 vụ thử hạt nhân. Vụ gần nhất là tháng 2-2013 và gần đây đã đe dọa sẽ thử vụ thứ tư để trả đũa nghị quyết lên án nhân quyền Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc.

Đại diện ngoại giao Triều Tiên luôn nhắc lại rằng, lời đề nghị với phía Mỹ là “một đề nghị rất có ý nghĩa và quan trọng” vốn sẽ tạo nên một bầu không khí thuận lợi cho việc đối thoại và hợp tác trên Bán đảo Triều Tiên.

Vào sáng sớm ngày thứ Ba (13-1), giới chức Mỹ còn cảnh báo rằng, họ đang xem xét các lệnh trừng phạt khác chống lại Triều Tiên để trả đũa vụ tấn công vào hãng Sony Pictures. Washington gọi Bình Nhưỡng là thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công này.

Ngược lại, Triều Tiên đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới vụ tấn công hãng Sony và cho rằng, các cáo buộc là vô lý; đồng thời yêu cầu chính quyền Mỹ cung cấp bằng chứng sai trái của Bình Nhưỡng.

Quang Hiển (Theo CNA)

.