Quốc tế
Nhật Bản tưởng niệm 4 năm thảm họa kép động đất - sóng thần
ĐNĐT - Ngày 11-3, người dân Nhật Bản kỷ niệm 4 năm ngày xảy ra vụ động đất và sóng thần kinh hoàng, tàn phá vùng đông bắc nước này; đồng thời chính phủ Nhật cũng phác thảo một kế hoạch tái thiết trong vòng 5 năm tới.
Nước biển dâng, cùng với đó là các đám cháy đã xảy ra tại vùng Sendai, đông bắc Nhật Bản, sau thảm họa kép động đất - sóng thần, ảnh chụp ngày 12-3-2011. Ảnh: Reuters |
Lễ tưởng niệm thảm họa kép này được tổ chức tại các thành phố vùng chịu thiệt hại và thủ đô Tokyo của Nhật Bản, nơi Nhật Hoàng Akihito và Nữ hoàng Michiko cùng tưởng nhớ tới những nạn nhân của thảm họa kinh hoàng nhất trong thời bình tại Nhật Bản.
Một phút mặc niệm diễn ra và kèm theo đó là những hồi còi báo động thảm họa đúng vào lúc 2 giờ 46 phút chiều nay theo giờ địa phương (12 giờ 49 phút giờ Hà Nội), vào thời điểm kịch phát trận động đất 9 độ Richter. Sức mạnh của nó đã tạo nên một bức tường nước có sức công phá hủy diệt tương đương sóng thần với tốc độ của máy bay phản lực tràn vào bờ biển đông bắc Nhật Bản.
Với cường độ 9 độ Richter, trận động đất hôm 11-3-2011 đã gây ra những cơn sóng thần cao hơn 10 mét và tạo sức tàn phá huỷ diệt dọc theo bờ Thái Bình Dương ở vùng đông bắc Nhật Bản.
Theo số liệu của cảnh sát, đã có 18.500 người thiệt mạng hoặc mất tích. Ít nhất 3.200 người chết trong khi sơ tán khỏi nhà.
Đến nay, sau 4 năm thảm họa, vẫn còn gần 230.000 người đang sống trong các khu nhà tạm. Chỉ 19% số nhà mới trong tổng số 30.000 căn hộ chung cư theo kế hoạch được xây xong.
Động đất và sóng thần cũng đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và kéo theo đó là việc ô nhiễm phóng xạ vào nguồn nước và môi trường địa phương. Hàng người dân đã phải từ bỏ nhà cửa, ruộng đồng, quê hương để tới nơi khác sinh sống.
Phát biểu trước buổi lễ tưởng niệm vào sáng 11-3-2015 tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố: “Chúng tôi, những người của chính phủ Abe, sẽ hỗ trợ tất cả những gì người dân trong vùng bị thảm họa cần, những người đang cật lực lao động để tái thiết cuộc sống của mình và tiến lên”.
Ông Abe cho rằng, rất nhiều việc cần phải làm, nhiều thành phố đang chật vật để lo công ăn việc làm và nhà ở lâu dài cho hàng ngàn người dân.
Theo đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết sẽ chuẩn bị một kế hoạch 5 năm tiếp theo nhằm đẩy mạnh việc tái thiết những vùng chịu tác động nặng nề của sóng thần và thảm họa hạt nhân lớn nhất kể từ thảm họa Chernobyl làm hàng ngàn người mất nhà cửa ở Ukraine.
Ước tính, chính phủ Nhật đã chi ra khoảng 50 tỉ USD để khắc phục hậu quả của thảm họa động đất - sóng thần tại 3 vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đối với Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, hiện tại, Công ty Điện lực Tokyo đang vật lộn để đối phó với việc hình thành nguồn nước nhiễm phóng xạ tại nhà máy. Hiện công ty đã có kế hoạch thực hiện việc thau rửa nguồn nước bị nhiễm bẩn vào cuối tháng 3, tuy nhiên, họ cho biết, sẽ không thể nào làm sạch theo kế hoạch này.
Theo ước tính của chính quyền, cần tới 40 năm để triệt hạ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trong đó, việc khó khăn nhất là di dời các thanh nhiên liệu hạt nhân.
Đến nay, Nhật đã bỏ ra 15 tỉ USD cho một dự án chưa từng có để làm giảm phóng xạ tại các thành phố gần với nhà máy điện hạt nhân nói trên. Trong đó, chất thải phóng xạ đã được chứa trong 88.000 kho tạm gần nhà máy.
Tokyo còn dự tính xây thêm các kho chứa tạm tại một số thành phố bị bỏ hoang do thảm họa động đất và sóng thần gây nên.