Quốc tế

Những "bằng chứng" cho thấy chính Mỹ đã góp phần tạo ra IS

07:33, 12/03/2015 (GMT+7)

Tờ Washington Post vừa có bài viết đáng chú ý, chỉ ra rằng chính sách ngoại giao của Mỹ đã giúp tạo ra lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang thu hút sự quan tâm của thế giới. Dưới đây là nội dung bài viết này.

Chiến binh IS (Ảnh: telegraph.co.uk)
Chiến binh IS (Ảnh: telegraph.co.uk)

"Năm ngoái, sẽ chẳng ai cười chê nếu bạn nghĩ rằng IS xuất hiện đầy bất ngờ. Chiến thuật tàn bạo và giọng điệu của IS khác xa so với các nhóm Hồi giáo cực đoan khác, thậm chí là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy rằng sự trỗi dậy của IS đã diễn ra chậm và nhiều hạt giống quan trọng mới chỉ được gieo trồng cách đây vài năm.

Trong một nghiên cứu viết cho Viện Brookings, chuyên gia về IS ở Đại học Princeton là ông Cole Bunzel cho thấy một trong những yếu tố nòng cốt của IS là ý tưởng "vương quốc Hồi giáo" đã trải dài hơn 1 thập kỷ.

Quá trình nghiên cứu, Bunzel thấy rằng có 3 hoạt động liên quan tới chính sách ngoại giao mà Mỹ thực hiện gần đây đã vô tình mang tới các điều kiện lý tưởng để "vương quốc Hồi giáo" hình thành.

1. Cuộc chiến Afghanistan

Nghiên cứu của Bunzel, mang tựa đề "Từ nhà nước trên giấy tới vương quốc Hồi giáo: Ý thức hệ của Nhà nước Hồi giáo", cho thấy rằng từ cuối năm 2001, thành viên al-Qaeda đã bàn với Abu Musab Al-Zarqawi (nhân vật sau này thành lập tổ chức Al-Qaeda ở Iraq) về việc tạo ra một "vương quốc Hồi giáo."

Đây là một tiền đề quan trọng để IS xuất hiện. Chiến lược gia quân sự Sayf-al'Adl của al-Qaeda được cho là đã thảo luận về ý tưởng khi ông ta và Zarqawi đang ở Iran để tránh cuộc chiến do Mỹ thực hiện tại Afghanistan. Adl đã viết về kế hoạch chuyển tới hoạt động tại Iraq của Zarqawi, cho rằng việc này mang tới "thời cơ lịch sử để thiết lập Nhà nước Hồi giáo." Nhà nước Hồi giáo sẽ có nhiệm vụ chính là "xóa bỏ sự đàn áp và giúp thiết lập lại lẽ phải, ý chí của Thượng đế trên toàn cầu."

Nghiên cứu không cho biết kế hoạch thành lập vương quốc Hồi giáo ở Iraq là do Al-Qaeda hay Zarqawi nghĩ ra. Điều quan trọng hơn là cuộc xâm lược Afghanistan của Mỹ đã giúp định hình kế hoạch này.

Cho tới năm 2001, Al-Qaeda vẫn xem Afghanistan và thủ lĩnh Mullah Omar của Taliban là tương lai của vương quốc Hồi giáo. Tuy nhiên với việc Afghanistan sụp đổ trước sự tấn công của người Mỹ trong năm 2001, Adl và những kẻ chung chí hướng đã phải tìm nơi khác để triển khai "dự án" vương quốc Hồi giáo.

Các thành viên Al-Qaeda sau này cũng thừa nhận điều trên. "Nếu vương quốc này (Nhà nước Hồi giáo Afghanistan) vẫn tồn tại, nó sẽ là khởi điểm của Nhà nước Hồi giáo dành cho mọi người Hồi giáo trên toàn thế giới" - Adl viết trong một lá thư gửi Zarqawi trong năm 2005.

2. Chiến tranh Iraq

Trong khi cuộc chiến Afghanistan khiến những kẻ muốn thành lập vương quốc Hồi giáo phải đi tìm vùng đất mới, chiến tranh Iraq đã giúp mang tới ứng cử viên tiềm năng.

Sau chiến tranh Iraq (diễn ra từ tháng 3/2003), Zarqawi bắt đầu tập trung sự chú ý vào đất nước này. Năm 2004, ông ta tuyên bố trung thành với thủ lĩnh Al-Qaeda Osama Bin Laden, đổi tên nhóm cực đoan của mình từ Jama'at al-Tawhid wal-Jihad thành Tanzim Qaidat al-Jihad fi Bilad al-Rafidayn (al-Qaeda ở Iraq).

Năm 2005, có ít nhất 3 lãnh đạo Al-Qaeda đã viết thư cho Zarqawi, kêu gọi ông ta thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Đáng chú ý là Ayman Al-Zawahiri, khi ấy vẫn đứng thứ 2 ở Al-Qaeda, đã nói với với Zarqawi rằng ông ta hy vọng nhà nước ban đầu sẽ lớn mạnh thành "vương quốc Hồi giáo."

Bất chấp việc có chung chí hướng, ngay từ đầu mối quan hệ giữa lãnh đạo Al-Qaeda và Al-Qaeda ở Iraq đã có vấn đề. Trong một lá thư đáng chú ý, được gửi sau khi nhóm của Zarqawi thực hiện nhiều vụ chặt đầu rùng rợn và tung lên mạng, Zawahiri đã kêu gọi ông ta dừng việc này. Theo Zawahiri, việc chặt đầu sẽ khó được những người Hồi giáo khác chấp nhận.

Tuy nhiên việc người Hồi giáo Shiite tăng quyền tại Iraq thời hậu chiến đã làm tăng sự ủng hộ của người Hồi giáo Sunni thiểu số với quan điểm bạo lực cực đoan của Zarqawi.

Tới năm 2006, Al-Qaeda ở Iraq đã tiến gần với việc tạo ra nhà nước Sunni riêng. Thế nhưng vào ngày 7/6 năm đó, Mỹ đã tiêu diệt Zarqawi trong một vụ không kích. Al-Qaeda ở Iraq nhanh chóng biến mất khỏi sân chơi chính thức.

Thế chân vào đó là một nhóm chiến binh Sunni tự nhận mình là "Nhà nước Hồi giáo Iraq". Nhóm lấy ý tưởng thành lập một vương quốc Hồi giáo ở Trung Đông (đã phôi thai từ giai đoạn cuối 2001, đầu 2002 kể trên) làm tư tưởng nòng cốt.

Abu 'Umar Al-Baghdadi, một cựu cảnh sát Iraq với tên thật Hamid Dawud Khalil Al-Zawi, tuyên bố mình là "Tư lệnh của các tín đồ" - danh hiệu thường chỉ trao cho những người đứng đầu các vương quốc trong lịch sử Hồi giáo. Umar Al-Baghdadi tuyên bố mình có chung dòng dõi với Nhà tiên tri Muhammad.

Theo nghiên cứu của Bunzel, trong khi việc thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Iraq được nhiều nhóm cực đoan chào đón, nó vẫn khó đoàn kết các nhóm Hồi giáo Sunni ở Iraq. Ngoài ra tổ chức này có mối quan hệ không êm đẹp với Al Qaeda. 4 năm sau khi thành lập vào 2006, Nhà nước Hồi giáo này vẫn mới chỉ tồn tại trên giấy.

Nhưng các nền tảng của giai đoạn tiếp theo đã được thiết lập, thường là trong những nhà tù do Mỹ điều hành như Camp Bucca, nơi những kẻ Hồi giáo cực đoan được tiếp xúc với cựu thành viên đảng Baath của Iraq. Tại những nơi như thế, niềm tin cực đoan đã được hòa trộn với sự am hiểu sâu sắc về quân sự.

3. Cái chết của Osama Bin Laden

Một trong những kẻ bị giam cầm ở Camp Bucca là Ibrahim Awad Ibrahim Al-Badri. Nhân vật này bị tống giam từ năm 2004 nhưng sau đó được trả tự do vì chính quyền Iraq không còn xem ông ta là mối đe dọa lớn.

Sau khi Abu 'Umar Al-Baghdadi bị tiêu diệt vào năm 2010, Badri lập tức trở thành tân lãnh đạo của Nhà nước Hồi giáo Iraq và nhận lại danh hiệu "Tư lệnh của các tín đồ". Bardi cũng tuyên bố mình là con cháu trực tiếp của Nhà tiên tri Muhammad và đổi tên thành Abu Bakr Al-Baghdadi.

Trong một thời gian dài, Bakr Al-Baghdadi không hành động gì nhiều. Phải mất 2 năm, ông ta mới công bố một đoạn ghi âm. Nguyên nhân không phải bởi Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Al-Baghdadi là những kẻ bất lực. Thực tế Bunzel cho rằng ông ta tài năng hơn nhiều so với các lãnh đạo trước đây. Khi ấy sự im lặng của ông ta và Nhà nước Hồi giáo Iraq dường như là để chờ thời.

Chỉ tới năm 2012, nhóm mới đột ngột tuyên bố trở lại cuộc chơi. Năm tiếp theo, vào ngày 9/4/2013, Al-Baghdadi tuyên bố mở rộng Nhà nước Hồi giáo tới Sham - từ chỉ Syria và các khu vực lân cận. Al-Baghdadi thậm chí còn tuyên bố Jabhat Al-Nusra, một nhánh của Al-Qaeda đang tham gia cuộc nội chiến tàn khốc ở Syria, là một phần của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Sham (ISIS).

Lãnh đạo Jabhat Al-Nusra là Abu Muhammad Al-Jawlani đã ra tuyên bố bác bỏ điều này. Ông ta nói rằng nhóm của mình vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Al-Qaeda. Về phần mình, Al-Qaeda kêu gọi Nhà nước Hồi giáo Iraq chỉ hoạt động trong Iraq mà thôi.

Tuy nhiên hàng ngàn chiến binh Jabhat Al-Nusra đã tự động gia nhập hàng ngũ của IS và quan hệ giữa 2 nhóm trở thành đối đầu. Al-Qaeda cũng duy trì mối quan hệ không tốt đẹp với IS và tới ngày 2/2/2014 thì tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ.

Điều gì đã khiến Al-Baghdadi thay đổi hành động? Bunzel tin rằng nguyên nhân do một chính sách ngoại giao quan trọng của Mỹ: vụ đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Osama Bin Laden của Al-Qaeda tại Pakistan.

"Cái chết của Bin Laden vào tháng 5/2011 đã tạo ra một khoảng trống quyền lực trong thế giới Hồi giáo cực đoan mà Abu Bakr Al-Baghdadi đã cố gắng lấp đầy" - Bunzel đánh giá - "Khi Zawahiri (lúc ấy đã trở thành người kế nhiệm Bin Laden) yêu cầu Al-Baghdadi rút từ Syria về Iraq trong tháng 5/2013, ông ta đã không nghe theo lệnh. Một phần của sự phản kháng là bởi Zawahiri có ít ảnh hưởng hơn so với Bin Laden.

"Baghdadi có lẽ đã gặp khó khăn nhiều hơn khi phản kháng lệnh của Bin Laden" - Bunzel nói - "Tôi thậm chí nghi ngờ việc ông ta từng tìm cách chống lệnh".

Khi Bin Laden không còn nữa, Al-Baghadi cảm thấy thoải mái chống lại Zawahiri và Al-Qaeda. Kế hoạch của ông ta trong việc thành lập Nhà nước hồi giáo mới và sau đó là vương quốc Hồi giáo (tự xưng vào ngày 29-6-2014) đã thu hút sự chú ý của những kẻ cực đoan trẻ tuổi.

Do không còn sự can thiệp của Al-Qaeda, tham vọng của nhóm đã chẳng còn bị kiềm chế nữa. Tương tự là mức độ bạo lực. Các đoạn video cắt đầu từng chỉ xuất hiện cách đây gần 1 thập kỷ đã nhanh chóng phổ biến trở lại.

Cuối cùng, vương quốc Hồi giáo mà Zarqawi và Al-Qaeda từng bàn tới trong năm 2001/2002 đã trở thành hiện thực, dù không cả 2 đều không còn trong cuộc chơi nữa. Zarqawi thì chết từ lâu còn Al-Qaeda giờ lại nuôi mộng thành lập Nhà nước Hồi giáo riêng ở Afghanistan.

Có thể thấy sự can thiệp quân sự của Mỹ đã vô tình tạo ra IS, nhưng tương lai của tổ chức này ra sao thì chưa ai biết rõ. Bunzel cho rằng hoạt động dùng vũ lực phá hủy cấu trúc tổ chức IS và vị lãnh đạo nhiều ảnh hưởng của nó sẽ đánh sập được vương quốc Hồi giáo. Nhưng theo Bunzel, Mỹ sẽ không tiến hành can thiệp quân sự mà để các quốc gia Hồi giáo Sunni mạnh trong khu vực tự xử lý nhóm này".

Vietnam+

.