Quốc tế

Triều Tiên thử tên lửa trả đũa Mỹ, Hàn

07:41, 03/03/2015 (GMT+7)

CHDCND Triều Tiên ngày 2-3 bắn ra biển hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn với cam kết “trả đũa tàn khốc” Mỹ và Hàn Quốc khi hai quốc gia này đang tập trận chung.

Những người biểu tình tham gia tuần hành gần Đại sứ quán Mỹ ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 2-3 nhằm phản đối cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn. Ảnh: AP
Những người biểu tình tham gia tuần hành gần Đại sứ quán Mỹ ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 2-3 nhằm phản đối cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn. Ảnh: AP

Các nhà quan sát lo ngại bán đảo Triều Tiên đang bên bờ chiến tranh.

AFP dẫn nguồn tin của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, hai tên lửa Scud được bắn từ thành phố cảng Nampo, sau khi bay được khoảng 490km thì rơi xuống vùng biển phía đông.

Việc bắn tên lửa diễn ra ngay trước khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung, một động thái vốn làm CHDCND Triều Tiên tức giận. Các cuộc diễn tập mang tên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non”, với việc huấn luyện trên bộ, trên không và trên biển. Tập trận “Giải pháp then chốt” kéo dài đến ngày 13-3 với sự tham gia của khoảng 10.000 binh sĩ Hàn Quốc và 8.600 binh sĩ Mỹ. Tập trận “Đại bàng non” kéo dài đến ngày 24-4 với sự tham gia của 200.000 binh sĩ Hàn Quốc và 3.700 binh sĩ Mỹ.

Mỹ và Hàn Quốc khẳng định tập trận chỉ mang tính chất phòng vệ. Tuy nhiên, phía CHDCND Triều Tiên cho rằng đó chỉ là lớp vỏ để che đậy một âm mưu chuẩn bị tấn công Bình Nhưỡng và Mỹ là “thủ phạm chính” làm căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Phía Bình Nhưỡng cũng từng cảnh báo cuộc diễn tập là “động thái gây hấn không thể dung thứ”, sẽ đưa bán đảo Triều Tiên đến bên bờ chiến tranh; đồng thời đề nghị tạm ngừng thử hạt nhân nếu Mỹ và Hàn Quốc hủy cuộc tập trận chung. Song, đề nghị này đã bị Washington từ chối vì cho rằng đó chẳng qua là lời đe dọa ngầm về một vụ thử hạt nhân lần thứ tư.

Theo AFP, những diễn biến nói trên làm giới quan sát lo ngại căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Việc CHDCND Triều Tiên thử tên lửa vấp phải phản ứng gay gắt của Hàn Quốc và Nhật Bản. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm CHDCND Triều Tiên tiến hành thử bất kỳ tên lửa đạn đạo nào và người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho rằng, Bình Nhưỡng dường như có ý định gây ra một “cuộc khủng hoảng an ninh”, thách thức hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. “Chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ và cứng rắn bất kỳ sự khiêu khích nào”, ông Kim Min-seok nói.

Tương tự, Nhật Bản cũng có phản ứng ngay lập tức. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga gọi hành động của CHDCND Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải và hàng không trong khu vực. AP cho biết, Tokyo tuyên bố sẽ trao công hàm phản đối đến Bình Nhưỡng, nhưng vẫn không muốn làm chệch hướng các cuộc đàm phán song phương nhằm giải quyết vấn đề bắt cóc con tin Nhật cách đây nhiều thập niên. Tháng 7 năm ngoái, Nhật Bản đã nới lỏng các biện pháp cấm vận CHDCND Triều Tiên, đổi lại thì quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên mở cuộc điều tra về số phận của các công dân Nhật bị bắt cóc. Song, ít có tiến triển trong quá trình điều tra này.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) nhận định: Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang tiến gần bờ vực của một cuộc chiến tranh. “Cách duy nhất để đối phó với sự gây hấn và chiến tranh do đế quốc Mỹ cùng những nước đồng minh phát động là không đối thoại, không hòa bình. Họ nên bị đối phó chỉ bằng những cuộc tấn công tàn khốc”, người phát ngôn này nói.

CHDCND Triều Tiên từng tiến hành 3 vụ thử hạt nhân vào năm 2006, 2009 và 2013. Theo nhà phân tích Jeung Young-Tae tại Viện Thống nhất quốc gia ở Seoul nhận định Bình Nhưỡng sẽ khó thực hiện vụ thử hạt nhân thứ tư mà chỉ thử tên lửa để phản ứng lại các cuộc tập trận.

Khi Mỹ và Hàn Quốc tập trận thường niên năm 2013, căng thẳng cũng dấy lên với việc Bình Nhưỡng thề tấn công hạt nhân vào Washington và Seoul. Bình Nhưỡng đã đưa ra hàng loạt giải pháp để xoa dịu căng thẳng nhưng Seoul nói rằng trước hết, quốc gia phía Bắc phải có những động thái thể hiện thiện chí bằng việc giải giáp hạt nhân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thúc giục các bên kiềm chế để bảo đảm hòa bình cho khu vực. Trung Quốc vốn là đồng minh và là nhà bảo trợ chính cho CHDCND Triều Tiên nhưng Bắc Kinh chịu nhiều sức ép từ phía Mỹ trong việc kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng các hoạt động hạt nhân.

PHÚC NGUYÊN

.