Quốc tế

Nhật - Trung lại căng thẳng

07:33, 23/07/2015 (GMT+7)

Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc triển khai 16 giàn khoan vào vùng tranh chấp trên Biển Hoa Đông. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng, nước này có quyền “có phản ứng cần thiết” sau khi Tokyo công bố Sách Trắng quốc phòng kêu gọi Bắc Kinh ngừng khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp.

Tàu cảnh sát biển Nhật Bản và Trung Quốc vờn nhau ở gần quần đảo Senkaku/Điếu ngư  trên Biển Hoa Đông. 				            Ảnh: Washington Post
Tàu cảnh sát biển Nhật Bản và Trung Quốc vờn nhau ở gần quần đảo Senkaku/Điếu ngư trên Biển Hoa Đông. Ảnh: Washington Post

Tại buổi họp báo ở Tokyo ngày 22-7, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga công bố một tấm bản đồ và những hình ảnh cho thấy vị trí 16 giàn khoan của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông. Theo ông Suga, việc Trung Quốc đơn phương khai thác tài nguyên trong khi vấn đề tranh chấp biên giới biển chưa được giải quyết là rất đáng bị lên án. AFP dẫn lời quan chức này gọi động thái của Trung Quốc là hành động ngang ngược, bất chấp hai nước hồi tháng 6-2008 đã đạt thỏa thuận cùng khai thác chung vùng biển nói trên.

Chính phủ Nhật Bản cho hay, trong số 16 giàn khoan đang hoạt động trên Biển Hoa Đông, 12 giàn khoan đã được triển khai trong 2 năm qua. “Nhật Bản thường xuyên phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc”, ông Suga nhấn mạnh. Song, Trung Quốc không nối lại đàm phán với Nhật Bản về việc thực thi thỏa thuận năm 2008.

Bản đồ và các hình ảnh nói trên đã được công bố công khai trên trang tin điện tử của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Suga cho rằng, việc tranh chấp chủ quyền giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Mối quan hệ này được cho là “tan băng” một phần kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cuộc gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 năm ngoái.

Về phía Trung Quốc, theo Reuters, nước này gọi việc Nhật Bản vừa công bố Sách Trắng quốc phòng, kêu gọi Bắc Kinh ngừng khai thác dầu khí trên Biển Hoa Đông là hành động thể hiện “bản chất hai mặt” trong chính sách ngoại giao của Tokyo, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bắc Kinh cho rằng, nước này có quyền “có phản ứng cần thiết” đối với Sách Trắng của Tokyo.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh giá Sách Trắng của Nhật Bản sau khi tài liệu này được công bố đầy đủ và sau đó sẽ có “phản ứng cần thiết tùy theo tình hình”.

Hơn nữa, Bắc Kinh chỉ trích Sách Trắng đã “thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc, làm căng thẳng leo thang”. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Sách Trắng của Nhật đã cố tình thổi phồng các vấn đề về Biển Hoa Đông và Biển Đông, v.v…

Các nhà quan sát nhận định: Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản là một phần trong kế hoạch của chính phủ Shinzo Abe nhằm thuyết phục người dân nước này về sự cần thiết phải mở rộng vai trò quân sự, cũng là giải pháp để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Song, theo thăm dò mới nhất do hãng Kyodo thực hiện, khoảng 60% số người được hỏi cho rằng, họ muốn giữ nguyên Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, chỉ có 32% kêu gọi thay đổi.

Liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, ngày 22-7, Trung Quốc kêu gọi Philippines rút đơn kiện Bắc Kinh ở tòa án quốc tế và trở lại bàn đàm phán song phương. Reuters dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua phát biểu với báo giới, bày tỏ hy vọng Manila sẽ rút đơn kiện. “Phía Philippines sẽ cùng chúng tôi ngồi lại đàm phán hòa bình”, Đại sứ Zhao Jianhua nói.

Philippines đã đệ đơn lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) để kiện Trung Quốc về việc đòi hỏi chủ quyền vô lý trên Biển Đông. Song, Trung Quốc không tham gia vụ kiện này.

THIÊN BÌNH

.