Quốc tế

50 năm Quốc khánh Singapore (9-8-1965 - 9-8-2015)

Đến Singapore nhìn mưa rơi

08:52, 10/08/2015 (GMT+7)

Nghe tôi sang tận Singopore để ngắm mưa rơi, không ít bạn bè chê tôi chưa già đã trở nên lẩm cẩm. Cho dù biến đổi khí hậu đến cỡ nào thì Huế vẫn không thiếu mưa, việc gì phải lặn lội mấy nghìn cây số sang tận quốc đảo sư tử chỉ để… ngắm mưa rơi!

Không phải vậy. Đó là ngắm hoa của một loại cây xanh thành phố, được người dân bản địa gọi là cây mưa rơi (tên khoa học là Samarea saman, tên tiếng Anh là Rain tree; người Việt thường gọi là cây muồng tím, muồng ngủ, me tây, hoặc cây còng).

Cây mưa rơi là loại cây thân mộc cao trung bình đến 25 mét, trồng lâu năm trong điều kiện thích hợp có thể trở thành cổ thụ cao gấp đôi bình thường, hoa nhỏ có năm cánh đính màu hồng hoặc tím nhạt, nở bung ra rất đẹp và thơm, tán lá rậm rạp, rộng hơn chiều cao của cây, hình mâm xôi, xòe rộng dưới nắng mặt trời. Khi có mưa hoặc buổi tối trời sương xuống, lá tự động cuốn lại, giữ nước bên trong; nắng lên, lá lại xòe ra làm mưa lại thêm một lần rơi xuống. Người Việt lấy tư duy mô tả về màu sắc để gọi tên, còn người Singapore lấy tính năng bản chất, gắn liền với khát vọng về nguồn nước để gọi tên, bởi vì nơi đây gần 50% nguồn nước ngọt lấy từ nước mưa, số còn lại phải nhập khẩu từ Malaysia…

Chính sách kiến quốc hợp lý

Singapore là một quần đảo gồm một đảo chính và 60 đảo nhỏ, nơi dừng chân của những ngư dân đi đánh bắt xa bờ từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Khu định cư đầu tiên được biết đến là tiền đồn của đế quốc Srivijaya có tên là Temasek (hải trấn). Trải qua nhiều lần bị hải tặc Bồ Đào Nha cướp phá, năm 1613, chính khách người Anh Thomas Stamford Raffler ký với Quốc vương Hussein Shah của Vương quốc Johor một hiệp định để thành lập nơi đây thành một trạm mậu dịch của Công ty Đông Ấn Anh.

Trong Thế chiến thứ hai, ngày 15-2-1942, Anh đầu hàng Nhật, quần đảo này trở thành căn cứ của quân sự của Nhật. Nhưng chẳng bao lâu sau, tháng 9-1945, Nhật thua trận đầu hàng, vùng đất này trở về tay người Anh. Năm 1955, Mặt trận lao động của David Marshall giành chiến thắng trong tổng tuyển cử, ông đã sang Anh, xin cho tự trị hoàn toàn nhưng không được chấp nhận nên khi trở về, ông xin từ chức. Người lên thay là Lâm Hữu Phúc áp dụng một chính sách phụ thuộc người Anh về quân sự và đối ngoại. Tháng 5-1959, Đảng Hành động nhân dân chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội, ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore.

Singapore là xứ sở quá nghèo, không có tài nguyên, đất đai và điều kiện cho môi trường sống của con người nên người Anh cũng thả nổi. Tháng 9-1963, ông Lý Quang Diệu tổ chức trưng cầu dân ý và được nhân dân ủng hộ, làm đơn xin sáp nhập trở thành thành viên của Liên bang Malaysia (tên gọi Malaysia có từ đây, trước chỉ gọi là Malaya). Chẳng bao lâu sau, ngày 7-8-1965, Singapore bị trục xuất khỏi Liên bang Malaysia do những bất đồng về quan điểm chính trị giữa bang và liên bang. Chỉ hai ngày sau, ngày 9-8-1965, ông Lý Quang Diệu tuyên bố Singapore độc lập.

Độc lập đồng nghĩa với tự túc, tự cấp, tự lo tất cả mọi điều, nhất là đối mặt với những khó khăn, thử thách tưởng như không thể vượt qua như: đất hẹp người đông, nạn thất nghiệp lớn, nhà ở thiếu; tài nguyên, đất đai, nông nghiệp, công nghiệp… hầu như là con số không. Trong 31 năm làm Thủ tướng lập quốc (1959-1990), ông Lý Quang Diệu đã có một chính sách kiến quốc hợp lý để đưa đất nước phát triển nhanh chóng, trở thành đất nước giàu mạnh trên thế giới.

Singapore là hòn đảo giữa biển, muốn mở mang lãnh thổ, không có con đường nào khác là phải lấn biển, lấp biển, nới rộng đất liền. Bằng các chương trình kêu gọi đầu tư có ý nghĩa chiến lược, chính phủ đã cho các công ty nước ngoài khai thác đất đồi, đất đáy biển, mua đất ở các nước lân cận đem về lấn biển, cải tạo đất, biến diện tích cả nước ban đầu chỉ 581,5 km2 (năm 1960) nay nới rộng thành 716,1 km2 và dự kiến tăng thêm khoảng 100 km2 nữa vào năm 2030.

Đất hẹp nhưng mật độ dân số Singapore thuộc loại cao nhất thế giới: cả nước có 5.399.200 người, trong đó người Hoa chiếm 74,2%, các dân tộc thiểu số là Mã Lai (13,4%), Ấn Độ (9,2%), các dân tộc Âu-Á khác (3,2%).

Cùng với việc kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, từng bước khắc phục nạn thất nghiệp và chống lạm phát, một chương trình nhà ở công cộng với quy mô lớn được thực hiện triệt để, với 4/5 số người dân sống trong căn hộ được trợ cấp cao tầng hoặc công cộng, công chức thì sống trong những ngôi nhà công vụ, tùy theo cương vị xã hội. Ngay cả Thủ tướng Lý Quang Diệu trước khi qua đời đã để lại di chúc bảo người thân trả lại nhà công vụ cho nhà nước.

Xây dựng khu vườn “mơ ước Singapore”

Tài nguyên chỉ vỏn vẹn một ít than, chì, nham thạch, không có đất và nước ngọt nên không thể phát triển nông nghiệp; chỉ trồng rau, cây ăn quả, cây cao su, nhập lương thực và nước uống từ nước ngoài. Người ta nói, đất nước Singapore hình thoi, hình viên kim cương, nhưng dân gian coi đó là hình con cua, mà con cua màu xanh là cua sống, còn con cua màu đỏ là cua chết, nên mục tiêu chiến lược của Thủ tướng lập quốc là phủ xanh đất nước.

Mở đầu là ngày 16-6-1963, Thủ tướng Lý Quang Diệu phát động chiến dịch trồng cây và tự tay cuốc đất để trồng một cây mưa rơi. Các nhà sử học ví hành động này như việc gieo những hạt giống đầu tiên xuống mảnh đất cằn cỗi trong quá khứ để xây dựng khu vườn “mơ ước Singapore”. Trong hồi ký Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất, ông Lý Quang Diệu chia sẻ: “Sau khi đất nước độc lập, tôi luôn đau đáu nghĩ về những biện pháp để tách bạch hình ảnh Singapore với các nước thế giới thứ ba.

Tôi quyết định cải thiện môi trường và cảnh quan Singapore. Phủ xanh thành phố là kế hoạch hiệu quả nhất mà tôi từng phát động.” Ông kể: “Tôi cử người đi khắp nơi, đến các vùng xích đạo, vùng nhiệt đới, để tìm những giống cây hoặc dây leo mới. Họ đến châu Phi, vùng Caribbe, châu Mỹ và mang về một số giống cây mới. Chúng không nhiều, nhưng nếu bạn dành chỗ để trồng cây, để dây leo mọc lên, thì mọi sự oi bức sẽ giảm và bạn có một thành phố khác hẳn” (Lý Quang Diệu, The man his ideas, 1998).

Một trong những loại cây chịu nóng, tích nước có nguồn gốc từ Colombia, Venezuela, El Salvador, Mexico… là cây mưa rơi, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và mục tiêu cải tạo môi trường ở Singapore. Ở Việt Nam, loại cây này đã xuất hiện rải rác tại một số nơi như Hà Nội, Hội An, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang… Đặc biệt, những thành phố có lượng mưa thấp như Phan Rang (500mm) có thể coi việc trồng cây mưa rơi là mục tiêu chiến lược.

Ở Singapore, từ năm 1971, Chính phủ chọn một ngày trong tuần đầu tiên của tháng 11 làm Ngày trồng cây toàn quốc. Thời điểm này bắt đầu mùa mưa ở Singapore, trồng cây sẽ tiết kiệm lượng nước tưới. Sự kiện này đầu tiên diễn ra vào ngày 7-11-1971, với nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra bên cạnh nhiệm vụ chính là trồng cây.

Ông Lý Quang Diệu chưa vắng mặt bất kỳ Ngày trồng cây trong suốt gần 50 năm qua. Ngày 2-11-2014, dù sức khỏe suy giảm nhưng ông vẫn có mặt trong Ngày trồng cây với toàn dân, và đó là ngày hội trồng cây cuối cùng mà ông tham gia. Ông được coi là kiến trúc sư, tổng công trình sư đã xây nên một đất nước Singapore mà quốc tế thường suy tôn là “Garden City”.

HƯƠNG GIANG

.