Quốc tế

Hai miền Triều Tiên đồng ý "tháo ngòi nổ chiến tranh"

07:31, 25/08/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Hai miền Triều Tiên đã đồng ý kết thúc cuộc đàm phán marathon vào rạng sáng ngày 25-8 với thỏa thuận một loạt các biện pháp nhằm tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng vốn đẩy bán đảo Triều Tiên tới bờ vực của chiến tranh.

Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, Kim Kwan-Jin (phải) bắt tay ông Hwang Pyong-so, quan chức chính trị cấp cao của Quân đội Triều Tiên, sau cuộc hội đàm tại làng đình chiến Panmunjom tại Paju, Hàn Quốc.  Ảnh: AP
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, Kim Kwan-Jin (phải) bắt tay ông Hwang Pyong-so, quan chức chính trị cấp cao của Quân đội Triều Tiên, sau cuộc hội đàm tại làng đình chiến Panmunjom ở Paju, Hàn Quốc. Ảnh: AP

Trong một thỏa thuận chung, Triều Tiên “bày tỏ sự đáng tiếc” vì vụ nổ mìn vừa qua vốn đã làm cho hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương; trong khi đó Hàn Quốc đồng ý tắt hệ thống loa tuyên truyền các thông điệp qua bên kia biên giới.

Hàn Quốc sẽ tắt hệ thống loa vào trưa ngày thứ Ba (25-8) theo giờ địa phương. Đúng vào thời gian đó, Triều Tiên sẽ dỡ bỏ “tình trạng bán chiến tranh” mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố vào cuối tuần qua.

Hai bên cũng đồng ý cùng nhau làm việc để nối lại việc đoàn tụ các gia đình ly tán vào tháng tới; đồng thời tổ chức các cuộc đàm phán chính thức ở Seoul hoặc Bình Nhưỡng trong một ngày ấn định sau.

Thỏa thuận trên, có vẻ như bao hàm tất cả các khu vực quan trọng của việc xung đột, đã đạt được sau 3 ngày đêm thương lượng gai góc vốn bắt đầu từ chiều thứ Bảy tại làng đình chiến Panmunjom.

Các cuộc hội đàm đã diễn ra trong bối cảnh một cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm vốn đã gây nên một cuộc đấu pháo xuyên biên giới vào tuần qua. Trong đó, cả hai phía đều tăng cường luận điệu quân sự và "diễu võ dương oai".

Căng thẳng tiếp tục dâng cao ngay cả khi các cuộc thảo luận đang diễn ra. Phía Triều Tiên điều động 50 tàu ngầm, 20 tàu đổ bộ đệm khí rời khỏi các căn cứ thường trực. Trong khi đó, máy bay chiến đấu của Hàn Quốc và Mỹ đã tập luyện ném bom cùng với hàng loạt các đơn vị pháo binh tiến về khu vực gần khu phi quân sự.

Trước tin tức này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon đã “nhiệt liệt hoan nghênh” thỏa thuận của hai miền Triều Tiên.

Nhà thương lượng chính phía Hàn Quốc, cố vấn an ninh quốc gia Kim Kwan-Jin cho rằng, thỏa thuận này sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay và đem lại một “tối hậu thư mới” cho quan hệ hai miền Triều Tiên trong tương lai.

Ông Kim mô tả sự bày tỏ hối tiếc của Triều Tiên cho vụ nổ mìn là “rất có ý nghĩa”. Ông cho rằng: “Chúng tôi đã có được một từ xin lỗi vốn nói lên Triều Tiên là tác nhân chính”.

Bình Nhưỡng liên tục bác bỏ trách nhiệm vì vụ nổ mìn và thỏa thuận ngày 25-8 đã tránh được sự chấp nhận trách nhiệm trực tiếp. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nó đến gần hơn so với điều họ mong đợi.

Thỏa thuận này sẽ được các láng giềng của bán đảo Triều Tiên như Trung Quốc và Nhật Bản hoan nghênh bởi hai nước này đang nhìn nhận sự đối đầu trên bán đảo này đáng lo ngại và thúc giục hai bên thể hiện sự kiềm chế.

Hơn nữa, gần 30 ngàn lính Mỹ thường trực tại Hàn Quốc cũng đã thở phào nhẹ nhõm bởi họ cũng sẽ tham chiến để bảo vệ đồng minh như đã hứa trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh bởi hai nước chỉ ký thỏa thuận ngừng bắn mà không phải là một hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến tranh năm 1950-1953.

Quang Hiển (theo CNA)

.