Quốc tế
Châu Âu chưa thống nhất hành động
Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov cho rằng, giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng người tị nạn là châu Âu cần thống nhất hành động nhưng lục địa già cỗi này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Cuộc họp khẩn cấp giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) với các nước Balkan cũng bị chia rẽ...
Những người di cư chờ đợi tại một trung tâm tị nạn sau khi vượt qua biên giới Croatia và Slovenia. Ảnh: AFP |
Cuộc họp khẩn giữa EU và các nhà lãnh đạo Balkan diễn ra vào ngày 25-10 theo lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ông Juncker đã mời lãnh đạo 10 nước EU: Áo, Bulgaria, Croatia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Hà Lan, Romania, Slovenia và Thụy Điển đến thủ đô Sofia của Bulgaria để tìm giải pháp khi vấn đề người tị nạn đang ngày càng trở nên rối rắm.
Đưa ra kế hoạch gồm 16 điểm, ông kỳ vọng mỗi nước cần tuân thủ quy định của cuộc chơi nếu không muốn đặt khu vực miễn thị thực Schengen vào rủi ro. Quan ngại đang gia tăng về hàng trăm ngàn người di cư ùn ùn đến châu Âu với những hệ lụy cho nền kinh tế của những nước liên quan. Những người di cư hiện phải sống trong các lều trại tạm bợ ở các nước tây Balkan giữa thời tiết giá lạnh.
Theo thống kê của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), hơn 680.000 người di cư và tị nạn đã vượt biển đến đến châu Âu trong năm nay. Hầu hết những người này rời bỏ đất nước do chiến tranh và nghèo đói ở Trung Đông, châu Phi và châu Á. Họ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, các nước tây Balkan để tìm kiếm cuộc sống mới tốt đẹp hơn ở Đức và các nước Bắc Âu khác.
Bulgaria, Serbia và Romania - 3 nước “tuyến đầu” - tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới nếu Đức và các nước khác cũng có hành động tương tự; đồng thời cảnh báo không để khu vực Balkan trở thành “vùng đệm” cho những người di cư đang bị kẹt lại. “Nếu Đức và Áo đóng cửa biên giới thì cả ba nước sẽ không cho phép mình trở thành vùng đệm. Chúng tôi sẽ sẵn sàng đóng cửa biên giới”, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov nhấn mạnh.
Thái độ kiên quyết của Bulgaria, Serbia và Romania đang tạo áp lực cho các nhà lãnh đạo châu Âu ở Brussels (Bỉ). Trong những tháng gần đây, Serbia - quốc gia không phải là thành viên EU - bị tắc nghẽn bởi dòng người di cư từ Hy Lạp và Macedonia kéo đến. Chỉ trong tuần qua, hơn 47.500 người di cư đổ về Slovenia - quốc gia chỉ có dân số 2 triệu người, và 48.000 người tràn vào Hy Lạp - quốc gia cũng chỉ có dân số khoảng 11 triệu người.
Vấn đề là sẽ có nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo nếu người tị nạn tiếp tục bị mắc kẹt ở các biên giới mà không có nơi ở phù hợp. Slovenia đang yêu cầu sự trợ giúp sau khi nước này trở thành cửa ngõ chính để người tị nạn tiến vào vùng Schengen.
Cụ thể là Slovenia muốn châu Âu chi 140 triệu euro (155 triệu USD) và nếu không có sự hỗ trợ thì nước này có thể xây dựng hàng rào biên giới với Croatia. Thực tế, các thành viên EU đã cam kết hỗ trợ tổng cộng 2,3 tỷ euro (2,6 tỷ USD) để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư nhưng đến nay chỉ mới cung cấp được 275 triệu euro.
Vì vậy, ông Jean-Claude Juncker muốn châu Âu phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, với việc viện trợ khẩn cấp thay vì những cam kết trên giấy. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông không mấy hiệu quả. Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic cũng bác bỏ kế hoạch của ông Juncker và cho rằng, “ai lập kế hoạch này đã không hiểu những gì đang diễn ra”.
Theo Reuters, sự rạn nứt trong khối EU gồm 28 nước là điều có thể thấy rõ, làm dấy lên lo ngại về tương lai của khối. Sự mất niềm tin lẫn nhau giữa các chính phủ EU đang đến mức báo động. Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc giục các nước EU mở cửa và đón nhận người tị nạn, nhưng những nhà lãnh đạo khác lại đặt ưu tiên hàng đầu là việc kiểm soát biên giới bên ngoài EU, từ chối tiếp nhận người tị nạn và trả tiền để các nước thứ ba giữ những người tị nạn trên lãnh thổ của mình. Ông Milanovic nhận định: Việc kiểm soát dòng người tị nạn, trong đó có việc ngăn chặn người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, có lẽ là giải pháp duy nhất và mọi việc khác chỉ là sự lãng phí thời gian.
VĨNH AN