Quốc tế

Bầu cử Quốc hội Myanmar: Đảng đối lập có thể trở lại

07:28, 10/11/2015 (GMT+7)

Đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) cầm quyền đã thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar. Cuộc bỏ phiếu lần đầu tiên ở đất nước Đông Nam Á này trong 25 năm qua đánh dấu sự trở lại của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập.

Bà Aung San Suu Kyi và người đồng sáng lập NLD, ông Tin Oo, chia sẻ niềm vui với những người ủng hộ.            Ảnh: AP
Bà Aung San Suu Kyi và người đồng sáng lập NLD, ông Tin Oo, chia sẻ niềm vui với những người ủng hộ. Ảnh: AP

Tuy kết quả bầu cử chưa được công bố chính thức nhưng USDP đã thừa nhận thất bại và thắng lợi lớn dường như thuộc về NLD của bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình. Quyền Chủ tịch USDP, ông Htay Oo, tuyên bố: “Chúng tôi phải tìm ra nguyên nhân vì sao chúng tôi thất bại”. Điều bất ngờ là quy mô thất bại của USDP ở vùng đồng bằng rất lớn trong khi nơi đây được xem là cứ địa của đảng này.

Trong đợt thông báo kết quả đầu tiên vào ngày 9-11, Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar (MUEC) cho biết, NLD đã giành toàn bộ 12 ghế Quốc hội. Trong khi đó, theo NLD, với kết quả từ các điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước, đảng này có thể giành được hơn 70% số ghế trong Quốc hội, hơn 2/3 số ghế cần thiết để tự thành lập chính phủ dân chủ đầu tiên của Myanmar kể từ đầu những năm 1960 đến nay. Song, phát biểu với Reuters, người phát ngôn NLD Win Htein nói rằng, đảng này có thể giành đến hơn 90% số ghế ở cả hai viện của Quốc hội liên bang. “Họ (USDP) phải chấp nhận kết quả mặc dù họ không muốn”, người phát ngôn này nói.

Với nụ cười rạng rỡ, bà Suu Kyi xuất hiện trên ban-công trụ sở NLD tại Yangon, thúc giục những người ủng hộ hãy kiên nhẫn và chờ đợi kết quả chính thức. “Còn quá sớm để chúc mừng các ứng cử viên của chúng tôi chiến thắng”, bà nhấn mạnh.  

Báo New Light của Myanmar gọi kết quả bầu cử là “Bình minh của một kỷ nguyên mới”, đồng thời đề cập những đổi thay ở đất nước này trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, dù chiến thắng thật sự thuộc về NLD thì cũng không có gì chắc chắn về việc bà Suu Kyi sẽ chia sẻ quyền lực với quân đội đang có ảnh hưởng lớn ở Myanmar. Theo hiến pháp, 1/4 số ghế trong Quốc hội do các thành viên quân đội nắm giữ. Cũng theo hiến pháp, bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống do 2 con trai của bà mang quốc tịch Anh và chưa rõ vị trí “trên tổng thống” mà nhà lãnh đạo đối lập này tuyên bố là gì. Reuters cho biết, quân đội sẽ đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong chính phủ.

Cũng có những quan ngại rằng, quân đội sẽ không dễ chấp nhận thất bại và sẽ không trao quyền lực êm thấm cho NLD. Đó là chưa kể sẽ xuất hiện những cáo buộc về việc gian lận trong bầu cử bởi có đến 4 triệu cử tri không thể bỏ phiếu. Hơn nữa, NLD sẽ đối mặt với những khó khăn trong việc thay đổi hiến pháp và sẽ phải chọn lựa một người khác, chứ không phải là bà Suu Kyi, làm tổng thống.

Nắm quyền ở Myanmar trong cuộc đảo chính vào năm 1962, quân đội đã phớt lờ kết quả khi đảng của bà Suu Kyi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990. Một cuộc bỏ phiếu mới được tổ chức vào năm 2010 nhưng bị phe đối lập tẩy chay vì cho rằng luật bầu cử không công bằng.

Kết quả đầy đủ sẽ được công bố trong một vài ngày đến và tổng thống sẽ được lựa chọn vào tháng 2-2016 hoặc sau đó.

BÌNH YÊN

.