Quốc tế

Nhiệm vụ khó khăn của bà Suu Kyi

07:32, 11/11/2015 (GMT+7)

Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi sẽ đối mặt với hàng loạt rào cản khi điều hành đất nước Myanmar, nhất là khi quân đội vẫn nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính phủ.

Đường phố Myanmar tràn ngập sắc đỏ bởi cờ và hoa. Những người ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi xuống đường, mang theo chân dung của bà và reo hò chiến thắng.  						               Ảnh: AFP
Đường phố Myanmar tràn ngập sắc đỏ bởi cờ và hoa. Những người ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi xuống đường, mang theo chân dung của bà và reo hò chiến thắng. Ảnh: AFP

Sau 1/4 thế kỷ, bà Suu Kyi đã trở lại trong vinh quang khi NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar với khoảng 75% trong tổng số 664 ghế Quốc hội, quá 67% số phiếu cần thiết để kiểm soát cả hai viện của Quốc hội liên bang. Dù kết quả bầu cử cuối cùng vẫn chưa được công bố nhưng kết quả sơ bộ cùng việc đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) tuyên bố “thất bại hoàn toàn” đủ cho thấy NLD đang chiếm ưu thế rõ ràng.

Trong 54 ghế Hạ viện đã được bầu, NLD giành 49 ghế, hầu hết ở Yangon, trong khi USDP có 3 ghế. Đảng Dân chủ Wa (WaDP) và đảng Dân chủ Bang Kachin (KSDP) mỗi đảng chỉ được 1 ghế. Trong 52 ghế nghị viện cấp vùng hoặc bang, NLD giành 47 ghế, USDP có 3 ghế và WaDP có 2 ghế.

Cuộc bầu cử được xem là phép thử đầu tiên đối với NLD sau 25 năm, tức kể từ năm 1990, thời điểm đảng này giành thắng lợi một cuộc bỏ phiếu nhưng bị các tướng lĩnh quân đội đứng đầu Myanmar bác bỏ kết quả. Không những thế, bà Suu Kyi cũng bị quản thúc tại gia, hàng nghìn người ủng hộ bà bị bắt giam.

Thừa nhận thất bại lần này, thành viên cấp cao của USDP Kyi Win gọi đây là “số phận của đất nước”. “Hãy để NLD nắm quyền và điều hành đất nước. Bà Suu Kyi phải tiếp nhận trách nhiệm đó từ bây giờ”, ông Kyi Win nói. Theo đó, NLD từ vị trí đảng đối lập sẽ trở thành đảng cầm quyền. Tuy nhiên, bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống bởi nhà lãnh đạo này có chồng và 2 con đều mang quốc tịch Anh. Ở Myanmar, tổng thống nắm quyền cao nhất về cả nhà nước lẫn chính phủ.

Bà Suu Kyi trước đó nói rằng, nếu NLD giành chiến thắng, bà sẽ “đứng trên” cả tổng thống. Theo AP, tuyên bố này mang tính động viên và trấn an cử tri nhưng làm giới phân tích quan ngại bởi không hiểu bà sẽ hành động như thế nào. Bản thân người từng đoạt giải Nobel Hòa bình này cũng không lý giải sẽ đề cử ai làm tổng thống. Hơn nữa, một điều khó khăn là dù NLD đủ số ghế để tự thành lập chính phủ thì ai sẽ lãnh đạo nội các, trong khi không có ai thuộc đảng của bà có kinh nghiệm điều hành chính phủ. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là ai sẽ làm tổng thống Myanmar vẫn chưa có lời giải.

Cuộc bỏ phiếu ngày 8-11 cũng là lần tổng tuyển cử đầu tiên ở Myanmar kể từ khi quân đội trao quyền lực cho một chính phủ bán dân sự vào năm 2011. Từ đó, chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã thúc đẩy cải cách, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, nhằm chấm dứt tình trạng bị cô lập kinh tế và ngoại giao của Myanmar. Reuters cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar ở mức 8 tỷ USD trong năm tài khóa 2014-2015, gấp 5 lần so với 2 năm trước đó.

Song, nếu NLD trở lại thì có xảy ra xung đột với lực lượng quân đội - vốn đang có ảnh hưởng lớn trên chính trường Myanmar - hay không. Các nhà phân tích vẫn hoài nghi về tiến trình chuyển giao suôn sẻ bởi không có dấu hiệu gì rõ ràng về việc bà Suu Kyi và các tướng lĩnh quân đội sẽ có thể chia sẻ quyền lực dễ dàng. Hơn nữa, theo hiến pháp, quân đội có quyền kiểm soát tổng thể chính phủ, bao gồm cả quản lý kinh tế, nếu thấy cần thiết.

Dù sao với những gì đang diễn ra, với cuộc bầu cử tự do nhất trong vòng 25 năm qua ở Myanmar, quốc gia Đông Nam Á này có quyền kỳ vọng chặng đường phía trước. Như Tổng thống Thein Sein đã nói rằng, dù ai dẫn đắt đất nước đi nữa thì điều quan trọng nhất là phải có sự ổn định và phát triển.

THIÊN BÌNH

.