Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc năm 2016

Tập trung giải quyết khủng hoảng thừa

07:45, 23/12/2015 (GMT+7)

Thừa nhận thực tế Trung Quốc sẽ trải qua giai đoạn phát triển chậm kéo dài, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã nhất trí với bản kế hoạch phát triển kinh tế năm 2016, trong đó nhấn mạnh việc giải quyết những tồn đọng kéo dài đã và đang bao trùm nền kinh tế của quốc gia hơn 1 tỷ dân như: ứ đọng hàng hóa công nghiệp và cung vượt cầu trong thị trường nhà đất.

Giới phân tích dự đoán mục tiêu GDP năm 2016 của Trung Quốc sẽ khoảng 6,5%. 	 Ảnh: Oraclechronicle
Giới phân tích dự đoán mục tiêu GDP năm 2016 của Trung Quốc sẽ khoảng 6,5%. Ảnh: Oraclechronicle

Bản kế hoạch phát triển kinh tế năm 2016 được thông qua tại cuộc họp do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì ở thủ đô Bắc Kinh vào tối 21-12.

Chú trọng những tồn đọng “kinh niên”

Giới chức Trung Quốc bàn về các mức suy giảm có thể sẽ tiếp tục trong các khía cạnh như: tỷ lệ phát triển, sản lượng hàng hóa công nghiệp và thị trường việc làm sau một giai đoạn dài nền kinh tế nước này chỉ “đi theo hàng ngang”, hoặc phát triển èo uột, như lời một quan chức cao cấp Trung Quốc cho biết. Quan chức này nhận xét: “Nền kinh tế Trung Quốc sẽ đi theo lộ trình hình chữ L và sẽ không thể tiến về phía trước theo lộ trình hình chữ V”.

Tuy nhiên, một quan chức cao cấp Trung Quốc khác cho rằng, những lo lắng về nguy cơ “hạ cánh cứng” của nền kinh tế là “không có lý do xác đáng” khi viện dẫn tới những đòn bẩy tài chính và tiền tệ mà Bắc Kinh có thể tận dụng để hỗ trợ phát triển.

“Hạ cánh cứng” (hard landing) là thuật ngữ kinh tế và tài chính dùng để chỉ tình huống khi nền kinh tế của một nước nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó suy thoái.​

Bản kế hoạch phát triển kinh tế Trung Quốc 2016 cũng đồng thuận về những vấn đề “kinh niên” đang cản trở quốc gia này trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế được thúc đẩy nhiều hơn từ hoạt động tiêu dùng, giảm lệ thuộc vào nợ nần và đầu tư.

Các ưu tiên kinh tế của Bắc Kinh trong năm 2016 gồm: giảm tình trạng sản xuất vượt quá nhu cầu thị trường trong lĩnh vực công nghiệp, cắt giảm đáng kể số nhà ở và căn hộ tồn đọng, giảm chi phí cho doanh nghiệp và giảm thiểu tác động tiêu cực của những rủi ro tài chính.

Mục tiêu GDP khoảng 6,5%

Những chi tiết đầy đủ của bản kế hoạch vẫn chưa được nêu rõ vì các nhà chức trách còn tiếp tục bàn thảo, tranh luận và đi đến thống nhất văn bản chính thức tại hội nghị thường niên cuối năm ở Bắc Kinh. Các chi tiết cụ thể, trong đó có mục tiêu phát triển hằng năm do giới lãnh đạo Trung Quốc đặt ra cho năm 2016 cũng sẽ không được công bố cho đến khi Quốc hội nước này họp vào tháng 3-2016.

Các nhà kinh tế trong và ngoài Trung Quốc đều cho rằng, Bắc Kinh sẽ công bố mục tiêu tỷ lệ GDP của nước này năm 2016 thấp hơn chỉ tiêu 7% của năm nay. Điều này là tín hiệu cho thấy, giới lãnh đạo sẽ áp dụng những cải cách cần thiết để đạt được sự tăng trưởng ngắn hạn.

Ông Tập Cận Bình đã hé lộ về tỷ lệ tăng trưởng thường niên ít nhất phải đạt 6,5% trong 5 năm tới. Vì vậy, giới chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2016 có thể vào khoảng 6,5%.

Bản kế hoạch phát triển kinh tế 2016 được nhất trí sau khi Trung Quốc trải qua một năm áp dụng các giải pháp kích cầu thông qua những đợt hạ lãi suất và chi tiêu chính phủ không mang lại hiệu quả bao nhiêu trong việc củng cố nền kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Những giải pháp đó thậm chí còn chất thêm nợ nần lên vai các doanh nghiệp Trung Quốc và nhiều cơ quan chính quyền các cấp, đẩy nền kinh tế nước này vào những nguy cơ đáng ngại hơn.

Trong khi đó, giới kinh tế cho rằng, người dân Trung Quốc đang có nhu cầu ngày càng tăng trong các vấn đề như thực phẩm an toàn, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và những sản phẩm, dịch vụ cải thiện chất lượng sống tốt hơn.

Một giải pháp cho vấn đề này là giải quyết tình trạng cung vượt cầu đang dẫn tới năng suất lao động thấp và việc phân bổ thiếu hiệu quả nguồn vốn cũng như các nguồn tài nguyên khác. Trung Quốc hiện “đau đầu” với tình trạng ứ thừa sản phẩm trong các nhà máy thép, nhà máy kính và nhiều lĩnh vực khác. Cùng với đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang bế tắc với số lượng lớn nhà ở không bán được, hầu hết tại các thành phố có kinh tế phát triển kém.

Bản thông cáo kết luận cuộc họp ngày 21-12 cũng cho biết, Trung Quốc đã cải tổ lại hệ thống đăng ký hộ khẩu của nước này để giúp nhiều người dân ở các vùng nông thôn có thể đến thành phố làm việc, từ đó tạo động lực kích cầu cho thị trường bất động sản đóng băng của họ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.