Quốc tế
Tây Ban Nha đối mặt cuộc đấu tranh quyền lực
Với việc đảng Nhân dân cầm quyền chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử nhưng không giành được đa số ghế trong Quốc hội, Tây Ban Nha hiện đối mặt với cuộc đấu tranh quyền lực để thành lập một chính phủ ổn định. Đây là cuộc bầu cử khó khăn nhất trong nhiều thập niên qua ở quốc gia này.
Thủ tướng Mariano Rajoy (giữa) mong muốn đắc cử nhiệm kỳ 2. Ảnh: AFP |
Kết quả chính thức được công bố vào ngày 21-12 cho thấy, đảng Nhân dân cầm quyền giành được 28,7% số phiếu ủng hộ, với 123 ghế trong Quốc hội, ít hơn 63 ghế so với cuộc bầu cử năm 2011. Trong khi đó, số ghế cần thiết để chiếm đa số là 176 ghế. Đảng Xã hội về nhì với với 22% số phiếu (90 ghế). Tiếp đến lần lượt là đảng cánh tả chống “thắt lưng buộc bụng” Podemos với 20,6% (69 ghế) và đảng Ciudadanos 14% (40 ghế).
Hãng AFP dẫn lời nhà phân tích thuộc nhóm Âu - Á (Eurasia Group) Federico Santi cho rằng, kết quả vừa được công bố có thể sẽ dẫn đến những tuần bất ổn chính trị ở Tây Ban Nha, bởi các đảng không dễ dàng đạt được sự đồng thuận để hướng đến một chính phủ đa đảng. Ngay cả khi các đảng cánh tả và các đảng cánh hữu hợp lại, chẳng hạn như đảng Xã hội liên kết với đảng Podemos hoặc đảng Nhân dân với đảng Ciudadanos, thì cũng sẽ không thể chiếm đa số.
Cũng trong ngày 21-12, đảng Xã hội đối lập khẳng định sẽ chống lại việc tái ứng cử của Thủ tướng Mariano Rajoy trong chính phủ mới. Trong khi đó, đang tìm kiếm nhiệm kỳ 2, ông Rajoy nói rằng sẽ “cố gắng thành lập một chính phủ ổn định” nhưng hiện không có dấu hiệu hợp tác từ đối tác nào.
Theo AP, kết quả bầu cử không thuyết phục nói trên sẽ mở đường cho việc đàm phán kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Nhà phân tích thị trường cấp cao ở London (Anh) Craig Erlam nhận định: Tây Ban Nha có thể đối mặt với một kỷ nguyên “tê liệt và bất ổn chính trị”.
Cơ hội tốt nhất của ông Rajoy được cho là liên kết với đảng Ciudadanos nhưng đảng này cũng bác bỏ việc ủng hộ ông làm Thủ tướng, nguyên nhân chủ yếu do tình trạng tham nhũng trong đảng cầm quyền.
Hơn 30 năm qua, đảng Nhân dân và đảng Xã hội vẫn có sự luân phiên nắm quyền. Song, hàng triệu cử tri Tây Ban Nha đang thất vọng với các chính sách “thắt lưng buộc bụng” và những scandal tham nhũng trong chính phủ của ông Rajoy. Trong thời gian qua, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra rầm rộ trên đường phố thủ đô Madrid cũng như những nơi khác.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha hiện lên đến hơn 21%, cao thứ hai trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), chỉ sau Hy Lạp. Thêm vào đó là sự bất bình đẳng trong xã hội và sự nổi dậy của quân ly khai ở Catalonia… khiến uy tín của đảng Nhân dân giảm sút nghiêm trọng. Chính điều này đã tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của “những người mới đến” - đảng Podemos và đảng Ciudadanos.
Giới phân tích cho rằng, đây là cuộc bầu cử khó khăn nhất trong nhiều thập niên qua ở Tây Ban Nha. Theo Hiến pháp, sau khi trao đổi với lãnh đạo mỗi đảng, Nhà vua Felipe VI sẽ bổ nhiệm Thủ tướng và Thủ tướng mới phải trải qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội để giành quyền lãnh đạo.
Một kịch bản khác có thể xảy ra, đó là việc đảng Xã hội sẽ “bắt tay” với Podemos và Ciudadanos để “soán ngôi” đảng Nhân dân, tạo ra một “chính phủ của sự thay đổi”, như mong muốn của nhiều cử tri. Tuy nhiên, đàm phán 3 bên được cho là vô cùng phức tạp. Nếu tình trạng bế tắc kéo dài 2 tháng, Nhà vua phải kêu gọi bầu cử mới.
PHÚC NGUYÊN