Quốc tế
Người chèo lái châu Âu trong khủng hoảng
Tạp chí Time của Mỹ đã bình chọn Thủ tướng Đức Angela Merkel là “Nhân vật của năm 2015” do vai trò của bà trong cuộc khủng hoảng nợ công và khủng hoảng tị nạn vốn đe dọa sự tồn vong của châu Âu.
Thủ tướng Angela Merkel đã nắm quyền 10 năm ở Đức. Ảnh: AP |
Kết quả bình chọn “Nhân vật của năm” được công bố chỉ vài tuần sau khi bà Angela Merkel kỷ niệm 10 năm nắm quyền ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ở tuổi 61, bà Merkel hiện là người lãnh đạo chính phủ lâu năm nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và cũng là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” do Tạp chí Forbes bình chọn. Tính đến cuối năm nay, nhà lãnh đạo Đức đã chèo lái con thuyền EU vượt qua 2 cuộc khủng hoảng, duy trì nền hòa bình cho lục địa già cỗi.
Hãng AP cho biết, lý giải về sự lựa chọn, Tổng biên tập Time Nancy Gibbs mô tả các cuộc khủng hoảng ở châu Âu tạo ra những quan ngại rằng, khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) có thể tiếp tục tồn tại hay không và bà Merkel đóng vai trò quan trọng trong việc tìm đáp án cho bài toán khó này.
“Vì đòi hỏi ở đất nước của bà nhiều hơn tất cả những gì mà hầu hết các chính trị gia khác làm, vì vững vàng chống lại sự bạo ngược, vì thể hiện vai trò lãnh đạo đức độ trong một thế giới vốn thiếu vắng điều đó, nên Angela Merkel là “Nhân vật của năm” do Time bình chọn”, Tổng biên tập Nancy Gibbs nói.
Time cũng cho rằng, mỗi khi châu Âu xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng, Thủ tướng Merkel thường có sự can thiệp mạnh mẽ.
Cụ thể, khi Hy Lạp rơi vào khủng hoảng nợ công cách đây 6 năm, đe dọa sự tồn tại của eurozone; khi dòng người tị nạn ùn ùn kéo đến châu Âu, bà Merkel đều đưa ra những giải pháp kịp thời và đầy tính quyết đoán. Đức đã cứu trợ Hy Lạp, hình thành phản ứng của châu Âu trước khủng hoảng nợ công.
Đối với khủng hoảng nhập cư, Đức mở cửa chào đón người tị nạn, xem họ là nạn nhân của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, chứ không phải làm mầm mống lan truyền cực đoan. Những người tị nạn trong hành trình liều lĩnh vượt đại dương xem nữ Thủ tướng Đức là vị cứu tinh, thậm chí là người hùng.
Theo AP, dòng người nhập cư đổ vào châu Âu là phép thử khó khăn nhất đối với Thủ tướng Merkel. Đức là điểm đến hàng đầu của những người rời bỏ Syria, Afghanistan, Iraq hay những nơi khác để tìm cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn.
965.000 người đăng ký tị nạn ở Đức từ tháng 1-2015 đến tháng 11-2015 là con số không hề nhỏ và là áp lực cho chính Thủ tướng Merkel. Song, bà vẫn lạc quan rằng “chúng tôi sẽ xoay sở” và từ chối công bố hạn chế số lượng người tị nạn mà Đức có thể tiếp nhận, bất chấp những chỉ trích từ phía các đồng minh bảo thủ ở trong nước.
Không những thế, bà còn kêu gọi các nước châu Âu khác hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng người nhập cư, đồng thời khẳng định khủng hoảng chỉ có thể được giải quyết thông tin chính sách ngoại giao kiên nhẫn.
Những người chỉ trích cho rằng, việc mở cửa tiếp nhận người nhập cư chẳng khác gì là “canh bạc” bởi không những đặt bà Merkel vào sự rủi ro về vị thế chính trị mà còn gây nguy hiểm cho chính châu Âu.
Thậm chí, làn sóng tức giận đã dấy lên với quan điểm rằng, dòng người nhập cư không thể vượt quá năng lực tiếp nhận của xã hội Đức. Nội bộ hai đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) cầm quyền chia rẽ sâu sắc. Lãnh đạo đảng AfD chống nhập cư Frauke Petry đã đòi nữ Thủ tướng phải từ chức.
Nói thêm về “di sản” 10 năm của bà Merkel, AP cho hay, khi nhà lãnh đạo này tuyên thệ nhậm chức vào ngày 22-11-2005, nước Đức có tỷ lệ thất nghiệp 11%, với hơn 4,5 triệu người mất việc.
Bà đã làm việc vì một xã hội đa văn hóa, thúc đẩy ngoại giao và các mối quan hệ kinh tế. Chính phủ của bà đã đưa nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Hiện tại, sau 10 năm, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức chỉ 6%, với 2,6 triệu người không có việc làm.
Trong danh sách các ứng viên “Nhân vật của năm 2015”, ngoài Thủ tướng Angela Merkel còn có thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, chiến dịch vận động đòi bình quyền cho người da màu ở Mỹ Black Lives Matter. |
PHÚC NGUYÊN