Quốc tế

Đàm phán hòa bình Syria bế tắc

08:23, 26/01/2016 (GMT+7)

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 25-1 cho rằng, tương lai của các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria tùy thuộc vào các bên liên quan của quốc gia Trung Đông này. Ông Kerry muốn lùi đàm phán một vài ngày hơn là để nó sụp đổ ngay từ đầu.

Lực lượng của chính phủ Syria phải dựa vào các cuộc không kích của Nga để giành lại Salma, thuộc tỉnh Lattakia, từ phiến quân.  			                      Ảnh: AP
Lực lượng của chính phủ Syria phải dựa vào các cuộc không kích của Nga để giành lại Salma, thuộc tỉnh Lattakia, từ phiến quân. Ảnh: AP

Theo kế hoạch, đàm phán về hòa bình giữa chính phủ Syria với phe đối lập được bắt đầu ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 25-1 nhưng các nhà ngoại giao phương Tây đều cho rằng, sự kiện này không diễn ra cho đến ngày 27-1. Đàm phán hòa bình này là một phần trong kế hoạch kéo dài 18 tháng đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua hồi tháng 12 năm ngoái nhằm chấm dứt xung đột ở Syria.

Phát biểu với báo giới tại Lào ngày 25-1, Ngoại trưởng Kerry nói rằng, ông kỳ vọng trong 24-48 giờ tới sẽ có tương lai sáng sủa đối với đàm phán; theo đó, hòa đàm sẽ diễn ra trong vòng 72 giờ tới. Hơn nữa, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã thống nhất với đặc phái viên LHQ về Syria, ông Staffan de Mistura, rằng không nên gửi thư mời cho đến khi hoàn tất danh sách tất cả thành phần tham gia hòa đàm.

Ông Kerry lý giải, sẽ tốt hơn khi lùi đàm phán một vài ngày hơn là để nó sụp đổ ngay từ đầu. Theo ông, tương lai của đàm phán tùy thuộc vào các bên liên quan của Syria. “Chúng ta tạo ra khung, còn người dân Syria có thể quyết định tương lai của đất nước”, ông Kerry nói.

Hãng AP dẫn lời Ngoại trưởng Kerry bác bỏ những phát biểu gần đây của giới chức Syria rằng, họ sẽ không nhượng bộ trên bàn nghị sự và những chỉ trích của phe đối lập với chính phủ Damascus về việc họ đang bị ép buộc tham gia đàm phán.

Ông Kerry khẳng định những phát biểu như vậy chỉ phản ánh những căng thẳng và đồn đoán. Đồng thời, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại rằng, không có sự chia rẽ giữa các quốc gia ủng hộ phe đối lập Syria.

Theo Reuters, chính phủ Syria tuyên bố sẽ tham dự đàm phán nhưng Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC), gồm đại diện các phe đối lập chống lại Tổng thống Bashar al-Assad do Saudi Arabia thành lập vào tháng 12-2015, khẳng định sẽ không ngồi vào bàn nếu các yêu cầu của mình không được đáp ứng.

Đó là việc chính phủ của Tổng thống Assad vẫn tiếp tục chiến dịch không kích, việc thả các tù nhân không được thực hiện theo những gì nêu trong nghị quyết mà HĐBA LHQ đã thông qua hồi tháng trước. Cuối tuần qua, một quan chức cấp cao thuộc đảng Baath cầm quyền ở Syria cũng nói rằng, chính phủ của ông sẽ không có bất kỳ sự nhượng bộ mới nào khi quân đội Syria vẫn được Nga hỗ trợ trong các chiến dịch không kích.

Phe đối lập muốn ông Assad không có vai trò gì đối với tương lai của Syria, ngay cả trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị. Song, Nga, Iran và chính phủ Assad cho rằng, điều này phải do người dân Syria quyết định. Hiện Mỹ phải xoa dịu bằng việc không đòi hỏi ông Assad ngay lập tức rút lui, mặc dù Washington không hề muốn nhà lãnh đạo này liên quan đến tương lai dài của Syria. Thay vào đó, theo Washington, đàm phán sẽ quyết định số phận của Tổng thống Assad.

Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn của HNC Salim al-Muslat cho biết, lực lượng này sẽ nhóm họp vào hôm nay (26-1) để bàn thảo về những nỗ lực do LHQ dẫn đầu trong việc nối lại đàm phán. Ông Muslat cho rằng, Nga và chính phủ Syria đang gây trở ngại cho lộ trình hòa đàm mà lẽ ra phải được tổ chức vào ngày 25-1.

PHÚC NGUYÊN

.