Quốc tế

Indonesia lo ngại Hồi giáo cực đoan

15:16, 16/01/2016 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, những tưởng bóng ma Hồi giáo cực đoan không còn ám ảnh Indonesia nữa. Song, hàng loạt vụ đánh bom liên hoàn vào ngày 14-1 ở trung tâm thủ đô Jakarta cho thấy lực lượng này đã “tái xuất” và gây trở ngại cho chính phủ Indonesia.

Các nhân viên dọn dẹp bên ngoài quán cà-phê Starbucks, một trong những nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố. An ninh được thắt chặt trên khắp Indonesia. 									                     Ảnh: AP
Các nhân viên dọn dẹp bên ngoài quán cà-phê Starbucks, một trong những nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố. An ninh được thắt chặt trên khắp Indonesia. Ảnh: AP

Người dân Indonesia bàng hoàng về những vụ đánh bom khủng bố vừa xảy ra, mà thủ phạm là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Khắp đất nước Indonesia hiện được đặt trong tình trạng báo động cao. Một số đại sứ quán ở thủ đô Jakarta đóng cửa. An ninh cũng được tăng cường ở đảo Bali, điểm dừng chân của đông du khách Úc và các nước châu Á khác.

Hãng Reuters cho biết, ngày 15-1, trong chiến dịch truy lùng thủ phạm, cảnh sát bắt giữ 3 nghi phạm ở thành phố Depok, phía nam Jakarta. Theo người phát ngôn cảnh sát quốc gia Anton Charliyan, đã xác định được 4 trong số 5 đối tượng bị tiêu diệt nhưng phía cảnh sát không cung cấp thêm thông tin. Chỉ biết rằng trong số đó có Sunakim, từng bị kết án 7 năm tù vì liên quan việc huấn luyện khủng bố ở Aceh nhưng sau đó đã được phóng thích sớm.

Vụ khủng bố ngày 14-1 đã làm 7 người chết, trong đó có 5 đối tượng tham gia tấn công; 1 công dân Indonesia và 1 người Algeria, gốc Canada. 24 người khác bị thương, trong đó có 1 người Áo, 1 người Đức và 1 người Hà Lan.

Đây là lần đầu tiên IS nhằm vào quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới. Giám đốc Cảnh sát Jakarta Tito Karnavian cho rằng, sự trỗi dậy của IS đang tạo ra mối lo ngại nghiêm trọng. “Chúng ta cần thúc đẩy phản ứng và các giải pháp ngăn chặn, trong đó có việc dùng luật pháp… Và chúng tôi hy vọng những người đồng cấp của mình ở các nước khác có thể hợp tác với nhau…”, ông Tito Karnavian nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Panjaitan cho hay, cơ quan của ông đang phối hợp với Quốc hội tạo ra những thay đổi về pháp luật để có thể bắt giữ những nghi phạm.

Các chuyên gia cũng thống nhất quan điểm rằng, mối đe dọa từ IS và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang gia tăng đối với Indonesia. Một số chiến binh cực đoan có thể tham gia hàng ngũ IS ở Syria.

Song, giới phân tích nhận định: Với hàng loạt vụ tấn công vào ngày 14-1 mà chỉ có 7 người chết cho thấy sự liên quan của các chiến binh địa phương chưa được huấn luyện bài bản và vũ khí mà chúng sử dụng vẫn thô sơ.

Cảnh sát xác định Bahrun Naim, một công dân Indonesia được mệnh danh là “phiến quân tri thức”, từng nhận án tù 1 năm vì sở hữu vũ khí bất hợp pháp vào năm 2011, là kẻ chủ mưu. Naim từng là chủ một quán cà-phê Internet, sau đó trở thành thành viên chủ chốt của mạng lưới chiến binh Katibah Nusantara ở Syria.

Katibah Nusantara là một nhóm gồm khoảng 500 tay súng đến từ Đông Nam Á, hoạt động tại sào huyệt Raqqa của IS. Nhóm Katibah Nusantara được cho là sẽ có ảnh hưởng ngày càng lớn trong giới lãnh đạo của IS, khiến tổ chức này càng chú ý hơn khu vực Đông Nam Á.

Giám đốc Cảnh sát Jakarta Tito Karnavian thậm chí cho rằng, Naim muốn thống nhất tất cả các lực lượng ủng hộ IS ở Đông Nam Á, cụ thể là tại Indonesia, Malaysia và Philippines.

Trong một nội dung được đăng tải trên blog mới đây với tựa đề “Những bài học từ các cuộc tấn công Paris”, Naim thúc giục các cộng sự của mình nghiên cứu về kế hoạch, mục tiêu, thời gian, sự phối hợp, an ninh và lòng dũng cảm của các chiến binh thánh chiến ở thủ đô của Pháp.

Tổng chưởng lý Úc George Brandis, người đã đến Jakarta trong thời gian gần đây nhằm thúc đẩy sự hợp tác an ninh giữa hai nước, từng cho rằng IS đang tìm kiếm cách thiết lập một “đế chế phương xa” ở Indonesia.

IS được cho là thách thức lớn đối với lực lượng an ninh Indonesia, quốc gia có khoảng 210 triệu người Hồi giáo. Trong những năm qua, Indonesia trải qua các vụ tấn công khủng bố đẫm máu có liên quan đến Al-Qaeda, trong đó đáng chú ý nhất là vụ đánh bom ở đảo Bali vào năm 2002 làm 202 người thiệt mạng, hầu hết là du khách nước ngoài. Soufan Group, cơ quan tư vấn an ninh có trụ sở ở New York (Mỹ), ước tính có từ 500-700 công dân Indonesia ra nước ngoài để gia nhập IS ở Syria và Iraq, nhiều người trong số này đã trở về nước.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, IS không thể đặt được “chân rết” tại Indonesia bởi trong khoảng 210 triệu người Hồi giáo, chỉ vài trăm người theo IS, tỷ lệ vẫn thấp so với các quốc gia châu Âu.

Việt Nam chia buồn với Indonesia

Được tin vụ đánh bom khủng bố xảy ra ở thủ đô Jarkata ngày 14-1 khiến một số công dân Indonesia thiệt mạng và bị thương, ngày 15-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi.

TTXVN

PHÚC NGUYÊN

.