Quốc tế

IS đứng sau vụ đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ?

08:07, 13/01/2016 (GMT+7)

Ít nhất 10 người chết và 15 người khác bị thương trong một vụ tấn công ở trung tâm du lịch của thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp. Giới chức Ankara cho rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đứng sau vụ việc này.

Cảnh sát phong tỏa khu vực Nhà thờ Blue ở trung tâm du lịch Sultanahmet, thuộc thành phố Istanbul. 	   	               Ảnh: AFP
Cảnh sát phong tỏa khu vực Nhà thờ Blue ở trung tâm du lịch Sultanahmet, thuộc thành phố Istanbul. Ảnh: AFP

Hãng Reuters dẫn lời 2 quan chức an ninh cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, có thể các chiến binh Hồi giáo IS đã gây ra vụ nổ bom ở trung tâm du lịch Sultanahmet, thuộc thành phố Istanbul, vào ngày 12-1, làm ít nhất 10 người chết và 15 người khác bị thương. Vụ tấn công nhằm vào trái tim của một trong những thành phố có khách du lịch đông nhất thế giới xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS ở Syria và Iraq, đồng thời Ankara cũng tiến hành các chiến dịch chống các chiến binh người Kurd ở phía đông nam nước này.

Các xe cứu thương và cảnh sát được điều đến Sultanahmet, nơi tập trung nhiều di tích nổi tiếng thế giới, trong đó có Nhà thờ Hồi giáo Blue và Bảo tàng Hagia Sophia. Những hình ảnh do hãng thông tấn Dogan đăng tải cho thấy một số thi thể nằm rải rác. Cảnh sát phong tỏa hiện trường, đưa người dân sơ tán khỏi khu vực này vì lo ngại có thêm vụ nổ thứ hai.

Trong khi đó, trao đổi với AFP, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ đây là vụ khủng bố. Báo chí cũng cho hay, các nhà chức trách đang điều tra về việc một kẻ đánh bom liều chết đã gây ra vụ nổ, nhưng chưa có xác nhận chính thức.

Ngay trong ngày 12-1, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp với sự tham gia của các bộ trưởng và quan chức cấp cao khác. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, một kẻ đánh bom liều chết có liên quan đến Syria đứng sau vụ việc.

Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, ông Erdogan cho hay, trong số những người thiệt mạng có cả người Thổ lẫn người nước ngoài nhưng nhà lãnh đạo này không cho biết thêm chi tiết. Theo hãng Dogan, trong số những người bị thương có ít nhất 6 người Đức, 1 người Na Uy và 1 người Peru.

Ngay sau đó, Đức lên tiếng cảnh báo công dân nước mình nên tránh các đám đông ở những điểm du lịch tại Istanbul. Theo Bộ Ngoại giao Đức, các cuộc xung đột bạo lực hơn nữa và “các cuộc tấn công khủng bố” có thể xảy ra trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên minh châu Âu (EU) khẳng định sẽ sát cánh với Ankara trong cuộc chiến “chống lại tất cả hình thức khủng bố”. Theo Cao ủy phụ trách đối ngoại EU Federica Mogherini, việc thúc đẩy nỗ lực để đối phó với bạo lực cực đoan đã là vấn đề ưu tiên tại hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái.

Năm 2015, nhiều vụ nổ bom lớn đã xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 30 người đã thiệt mạng khi IS tấn công tại thị trấn Suruc, gần biên giới với Syria, vào tháng 7-2015. Tiếp sau đó, ngày 10-10, hai vụ đánh bom liều chết xảy ra bên ngoài một nhà ga đường sắt lớn ở thành phố Ankara làm 103 người chết và đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ được đặt trong tình trạng báo động. Trong những tuần gần đây, giới chức đã bắt giữ một số nghi phạm là thành viên IS, bị cáo buộc đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ở Istanbul.

Hãng AFP cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ còn đang tiến hành cuộc tấn công tổng lực nhằm vào Đảng Công nhân người Kurd (PKK). PKK đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công gây chết người chống lại lực lượng an ninh ở đông nam. Cuộc xung đột này đã gây ra nhiều hệ lụy cho Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến đồn đoán sẽ có những cuộc trả đũa đối với chính phủ Ankara.

BÌNH YÊN

.