Quốc tế
Nhiều mối lo ngại phủ bóng Davos
Một loạt vụ tấn công thánh chiến và những nguy cơ ngày càng gia tăng với nền kinh tế toàn cầu là những vấn đề phủ bóng phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên tại Davos (Thụy Sĩ) ngày 20-1.
Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Klaus Schwab phát biểu chào mừng các đại biểu tại Davos. Ảnh: Reuters |
Theo AFP, vụ tấn công của Taliban vào một trường đại học Pakistan làm ít nhất 21 người thiệt mạng trong ngày 20-1, ngày diễn ra khai mạc WEF, là cú sốc với các tỷ phú, những ông lớn doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo đang tụ họp tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Davos, trong đó có Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.
Nguy cơ an ninh gia tăng cũng có thể thấy ngay chính tại Davos khi trên khắp các con phố, cảnh sát trang bị súng máy thường xuyên túc trực tuần tra, các khối bê-tông chốt chặn đặt trên tất cả những đại lộ chính. Chính phủ Thụy Sĩ triển khai 5.000 binh sĩ để hỗ trợ và bảo đảm an ninh tại khu vực Davos từ ngày 15 đến 25-1.
Khủng bố và kinh tế Trung Quốc
Tại WEF 2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo về những nguy cơ đáng ngại ở các nền kinh tế lớn mới nổi, đồng thời hạ thấp bớt các tiêu chí trong tầm nhìn của họ về tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu năm nay.
Sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc là yếu tố gây ảnh hưởng tâm lý đáng kể đối với các nhà hoạch định chính sách tại Davos sau khi Trung Quốc công bố chỉ số tăng trưởng GDP năm 2015 của nước này. Không ngoài dự đoán, chỉ số tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất trong 25 năm qua của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chuyên gia kinh tế Nariman Behravesh của HIS nhận định: “Sự kiện lớn mà tôi nghĩ thu hút sự quan tâm của mọi người chính là tình hình phát triển tại Trung Quốc, cụ thể là thực tế phát triển chậm của nước này”. Cũng theo chuyên gia HIS, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã “hành xử vụng về”. Ông nói: “Họ toàn mắc sai lầm. Và với hành xử đó, họ đã tăng thêm sự thiếu chắc chắn và bất ổn”.
Các vấn đề của Trung Quốc sẽ được các đại biểu tại Davos bàn thảo. Nhưng theo ông Behravesh, họ sẽ không bàn bạc công khai, mà sẽ nói trong các sảnh hành lang hội nghị. Chuyên gia của HIS lưu ý “một diễn đàn Davos công khai sẽ hơi khác so với một diễn đàn Davos riêng tư”.
Đó cũng là lý do vì sao 2.500 nhân vật VIP năm nào cũng phải làm một chuyến “hành hương” về với “thánh địa Davos” này. Đến đây, họ có thể trao đổi cởi mở những vấn đề lớn nhất nếu muốn trong khi thoát khỏi “tầm ngắm” của những con mắt xăm soi từ dư luận trong nước.
Một ví dụ rõ thấy nhất là tại đây, ngoại trưởng của hai quốc gia đang dấn sâu xung đột là Saudi Arabia và Iran vẫn có thể gặp gỡ, trao đổi với nhau, mặc dù một cuộc họp chính thức giữa họ được xem là điều dường như không thể.
Cơn giận dữ mang tên “nhập cư”
Theo kế hoạch, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden là diễn giả chính trong phiên họp ngày 20-1 ở Davos. Ông Biden trình bày tầm nhìn của mình về những giai đoạn sóng gió nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt.
Cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu là một chủ đề quan trọng khác cũng sẽ xuyên suốt trong WEF năm nay tại Davos. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cùng tham gia hội thảo ngày 20-1 về việc hòa hợp với những người nhập cư trong bối cảnh dư âm từ các vụ tấn công tình dục đêm giao thừa tại thành phố Cologne đang đe dọa chính sách cởi mở của Đức trong việc tiếp nhận hàng trăm ngàn di dân.
Cũng trong tuần này, liên quan vấn đề người nhập cư, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras lại một lần nữa đối đầu với chính khách “khó ưa nhất” của ông là Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble.
Ngày 21-1, Tổng thống Argentine Mauricio Macri sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại Davos kể từ khi nhậm chức sau cuộc bầu cử tháng 11-2015. Ông Macri sẽ trình bày quan điểm cải cách kinh tế của ông tại quốc gia Nam Mỹ vừa xảy ra những sóng gió vừa qua.
Cũng trong ngày 21-1, theo lịch trình nghị sự, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về cách điều hành, xử lý của ông trước tình hình nổi dậy của nhóm phiến quân Boko Haram tại quốc gia đông dân nhất châu Phi.
Có mặt tại diễn đàn Davos 2016 trong tư cách một nhà hoạt động môi trường lâu năm, tài tử DiCaprio mong muốn với sự hiện diện của mình, anh sẽ góp phần hối thúc các nhà lãnh đạo sẽ thực hiện tốt những cam kết đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp Quốc vừa qua tại thủ đô Paris của Pháp nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu và cắt giảm sử dụng các nguồn nhiên liệu như than đá.
Nam diễn viên vừa lọt vào đề cử giải thưởng Oscar 2016 nói: “Hành tinh của chúng ta không thể cứu vãn trừ khi ta bỏ lại các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất, nơi chúng thuộc về. 20 năm trước, chúng ta mô tả tình trạng này như một cơn nghiện, và nay chúng ta đã có những phương tiện để có thể chấm dứt sự phụ thuộc đó”.
TRẦN ĐẮC LUÂN