Quốc tế

Rắc rối vẫn bủa vây bà Yingluck

15:16, 16/01/2016 (GMT+7)

Một lần nữa cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra xuất hiện trước tòa để bắt đầu phiên điều trần về cáo buộc tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân. Bà đến Tòa án Tối cao ở thủ đô Bangkok vào ngày 15-1 trong vòng vây của những người ủng hộ. Dù đang bị cáo buộc tham nhũng và tắc trách nhưng cựu Thủ tướng vẫn được những người ủng hộ chào đón; thậm chí, họ hô vang: “Chúng tôi yêu Yingluck”.

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đến Tòa án Tối cao ở Bangkok. 	                        Ảnh: AP
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đến Tòa án Tối cao ở Bangkok. Ảnh: AP

Trong buổi lấy lời khai đầu tiên này, các công tố viên đã triệu tập 4 nhân chứng. Nếu bị tuyên có tội, bà Yingluck có thể nhận mức án 10 năm tù giam. Trước đó, Tòa án Tối cao Thái Lan đã cho bà Yingluck nộp tiền tại ngoại 30 triệu baht nhưng cấm bà ra nước ngoài.

Theo cáo buộc, bà Yingluck đã làm thất thoát ngân sách lên đến hàng tỷ USD từ chương trình trợ giá gạo. Với chương trình này, chính phủ mua gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường để hỗ trợ nông dân nghèo. Đây là chính sách hàng đầu giúp đảng Pheu Thai của bà Yingluck giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2011.

Song, oái ăm là chính chương trình trợ giá gạo là cái cớ dẫn đến việc lật đổ bà Yingluck vào năm 2014. Bởi lẽ, chính phủ của bà Yingluck gặp khó khăn trong đầu ra của sản phẩm, khiến hàng triệu tấn gạo tồn đọng. Cũng vì thế, Thái Lan đã để vị trí nhà xuất khẩu gạo số một của thế giới về tay Ấn Độ hồi năm 2014.

Bà Yingluck hiện bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm. Các công tố viên cho rằng, bà đã phớt lờ mọi cảnh báo từ một số cơ quan chính phủ về tình trạng tham nhũng. Song, việc chính phủ quân sự truy tố cựu Thủ tướng xinh đẹp này được cho là một nỗ lực nhằm loại bỏ những ảnh hưởng quá lớn từ anh của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra; đồng thời hợp pháp hóa cuộc đảo chính.

Ông Thaksin bị lật đổ vào năm 2006 sau những cuộc biểu tình cáo buộc ông tham nhũng, lạm dụng quyền lực và xúc phạm Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Việc ông bị buộc phải rời nhiệm sở đã làm dấy lên cuộc đấu tranh bạo lực giữa những người ủng hộ ông với phe đối lập, trong đó có quân đội.

Bà Yingluck kiên quyết bảo vệ chương trình trợ giá lúa gạo của mình, nói rằng chính sách này đã hỗ trợ cho nông dân nghèo sau nhiều thập niên bị tầng lớp giàu có ở Bangkok bỏ rơi. Trong thư gửi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hồi tháng 11 năm ngoái, bà chỉ trích Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan đã cố tình đẩy nhanh vụ việc nhằm chống lại bà.

Phiên tòa xét xử bà Yingluck dự kiến kéo dài đến cuối năm nay. Rắc rối vẫn chưa ngừng đeo bám bà. Song, theo ông Pavin Chachavalpongpun, chuyên gia chính trị Thái Lan tại Đại học Kyoto (Nhật Bản), phong trào áo đỏ vẫn có thể trở lại. Và Thái Lan vẫn rơi vào tình trạng chia rẽ về chính trị, ngày bầu cử cứ bị hoãn dần cho đến giữa năm 2017.

VĨNH AN

.