Quốc tế

Không dễ duy trì ngừng bắn ở Syria

08:16, 01/03/2016 (GMT+7)

Các bên liên quan cuộc xung đột ở Syria liên tục cáo buộc đối phương vi phạm lệnh ngừng bắn. Phía Nga cũng thừa nhận quá trình thực hiện lệnh ngừng bắn không hề dễ dàng.

Những tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Aleppo, nơi vẫn có sự hiện diện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Nusra. 											 Ảnh: Reuters
Những tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Aleppo, nơi vẫn có sự hiện diện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Nusra. Ảnh: Reuters

Ngày 29-2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, lệnh ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian đưa ra vẫn đang được duy trì nhưng quá trình thực hiện không dễ. Theo ông Peskov, ngay từ đầu, Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh rằng, con đường để duy trì lệnh ngừng bắn sẽ không dễ dàng. 

Lệnh ngừng bắn ở Syria bắt đầu có hiệu lực từ 0 giờ ngày 27-2 trong sự nhất trí của gần 100 nhóm đối lập với chính phủ Damascus. Đến nay, Syria đã trải qua 3 ngày khá yên tĩnh mặc dù vẫn có thông tin cho rằng lệnh ngừng bắn đã bị vi phạm liên tục ngay khi có hiệu lực, trong đó có sự vi phạm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các trường hợp vi phạm thỏa thuận là do lực lượng nổi dậy ôn hòa và các tổ chức khủng bố gây ra. Các nhà quan sát nhận định: Còn quá sớm để khẳng định các bên vẫn tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng nước này, ông Sergei Lavrov, và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm về việc thực thi thỏa thuận nói trên. Hai nhà ngoại giao đã đề cập ý nghĩa quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ về mặt quân sự giữa 2 nước với tư cách là đồng Chủ tịch nhóm quốc tế ủng hộ Syria.

Điều đáng nói là chính ông Lavrov và ông Kerry đều thừa nhận thỏa thuận chắc chắn sẽ thể không kéo dài. Trước đó, khi có thông tin về việc vi phạm lệnh ngừng bắn, phía Washington đã lên tiếng thúc giục các bên kiềm chế. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho rằng, những ngày tiếp theo là thời điểm quan trọng để kiểm chứng việc các bên thực thi thỏa thuận.

Ngay trong ngày 29-2, Pháp kêu gọi cuộc họp của các lực lượng đặc nhiệm Syria để bàn thảo về việc vi phạm thỏa thuận. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho hay, ông có thông tin về các cuộc tấn công nhằm vào những khu vực do lực lượng phiến quân ôn hòa kiểm soát ở Syria.

Vì vậy, vẫn chưa rõ lệnh ngừng bắn có thật sự bị vi phạm hay không, bởi còn có quá nhiều hoài nghi giữa các bên; cả Saudi Arabia cũng cáo buộc chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Nga vi phạm lệnh ngừng bắn.

Hơn nữa, tại những vùng như Aleppo, vẫn có sự hiện diện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Nusra, 2 tổ chức không nằm trong phạm vi của thỏa thuận ngừng bắn. Vì vậy, các cuộc không kích nhằm tiêu diệt 2 lực lượng này vẫn sẽ được tiếp tục.

Nga và Mỹ gọi thỏa thuận là “cơ hội lịch sử”. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg gọi đây là “cơ sở tốt nhất để khôi phục những nỗ lực nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình bằng việc đàm phán chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria”.

Thực tế, thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch là bước tiến đầu tiên trong cuộc xung đột kéo dài từ năm 2011 ở Syria. 

Tuy nhiên, ông Stoltenberg quan ngại hành động quân sự của Nga khi Tổng thống Assad và đồng minh lớn nhất là Mátxcơva tuyên bố vẫn tiếp tục chống lại lực lượng chiến binh, nghĩa là Mátxcơva vẫn tăng cường quân sự tại quốc gia Trung Đông này.

Thỏa thuận ngừng bắn được xem là phép thử đánh giá sự thiện chí của các bên tham chiến tại Syria. Tiến trình hòa bình cho Syria vẫn còn lắm trở ngại nếu các bên không thật sự có thiện chí.

PHÚC NGUYÊN

.