Quốc tế
EU - Thổ Nhĩ Kỳ khó "bắt tay" nhau
Hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức tại Brussels (Bỉ) trong 2 ngày 17 và 18-3 nhằm tìm giải pháp ngăn chặn dòng người nhập cư kéo đến châu Âu. Hội nghị diễn ra trong khó khăn bởi các bên đều tỏ ra bi quan về một thỏa thuận giữa EU với Thổ, nhất là khi số người tị nạn đến Hy Lạp đã lên đến 1 triệu người kể từ tháng 1-2015 đến nay.
Tại Quảng trường Puerta del Sol ở Madrid (Tây Ban Nha), nhiều người biểu tình phản đối thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP |
Đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ vốn gây nhiều tranh cãi. Thổ muốn EU cấp thêm tiền để hỗ trợ người tị nạn, nhanh chóng nới lỏng các yêu cầu về thị thực đối với người Thổ và đẩy nhanh cuộc đàm phán để Ankara gia nhập liên minh này; đổi lại, Thổ giúp ngăn chặn dòng người di cư đổ vào châu Âu, cụ thể là sẽ tiếp nhận người tị nạn Syria từ các đảo của Hy Lạp bị quá tải.
Hãng AFP gọi đây là “thỏa thuận tham vọng” bởi Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đưa ra những đòi hỏi mới. Song, Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi kế hoạch được đề xuất là “cơ hội đầu tiên thật sự” để kết thúc cuộc khủng hoảng di cư.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh ngày 17-3 nói rằng, ông “lạc quan một cách thận trọng, nhưng thẳng thắn mà nói thì thận trọng hơn là lạc quan”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng bày tỏ “sự lạc quan thận trọng” trong việc đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trao đổi với Reuters, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận “sẽ khó đạt được thỏa thuận trong mùa hè năm nay, nhưng không phải là không thể”. Lý do mà quan chức này đưa ra là có quá nhiều “diễn viên” ở phía EU.
Trong khi đó, đề xuất từ phía Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự phản đối của nhiều nước như Pháp, Czech và Cyprus. Cộng hòa Cyprus tuyên bố không nhất trí với thỏa thuận EU - Thổ.
PHÚC NGUYÊN