Quốc tế

Thắng lợi của Tổng thống Putin

08:02, 19/03/2016 (GMT+7)

Với quyết định rút một phần lớn binh sĩ Nga ra khỏi Syria, Tổng thống Vladimir Putin trở thành nhân vật tâm điểm trong tuần này của báo chí. Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới hoan nghênh quyết định bất ngờ và táo bạo của người đứng đầu Điện Kremlin nhưng Mỹ cùng phe đối lập ở Syria thì cẩn trọng, hoài nghi…

Tổng thống Vladimir Putin gây bất ngờ khi quyết định rút quân khỏi Syria. 		                                                  Ảnh: AFP
Tổng thống Vladimir Putin gây bất ngờ khi quyết định rút quân khỏi Syria. Ảnh: AFP

Các nhà quan sát cho rằng, rút quân khỏi Syria khi đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, Tổng thống Putin muốn gửi thông điệp về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực. Đó là một thắng lợi lớn của ông Putin trên trường quốc tế.

Tháng 9 năm ngoái, Nga gây sốc khi đưa lực lượng không quân đến Syria để tiến hành chiến dịch không kích chống khủng bố và hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Lúc đó, động thái của Nga gây rất nhiều tranh cãi, có cả sự hoài nghi về “mục đích thật sự” của ông Putin.

Song, việc quân đội nước ông có mặt ở Mátxcơva là hoàn toàn chính danh, căn cứ hiệp định đã ký với Tổng thống Assad vào tháng 7-2015. Đã có nhiều dự đoán rằng, ông Putin sai lầm khi đưa quân đội vào Syria và lực lượng này sẽ “sa lầy” như Mỹ và liên minh quốc tế, hay như cuộc chiến của Washington ở Afghanistan.

Tuy nhiên, các cuộc không kích của Nga đã làm thay đổi cục diện và làm liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu “mất mặt” bởi lực lượng đông đảo này đến Syria trước nhưng không hề làm nên chuyện. Tổng thống Putin đã chứng minh rằng, ông đi một chiến lược đúng đắn khi chỉ 5 tháng mà “bảo vệ, củng cố được chính phủ của Tổng thống Assad”. Cụ thể là Nga đã giúp đồng minh - chính phủ Syria giành lại nhiều địa bàn chiến lược từ phe đối lập và tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đàm phán hòa bình ở Geneva (Thụy Sĩ).

Việc giới quan sát cho rằng ông Putin đang thắng lớn là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, bằng chiến dịch quân sự ở Syria chỉ vỏn vẹn 5 tháng, Nga đã thu được nhiều cái “được” hơn cái “mất”. Cái “được” lớn nhất là vị thế địa chính trị của Nga không những được giữ vững mà còn được nâng lên ngang hàng Mỹ đối với các vấn đề ở Trung Đông. Mỹ hay các nước phương Tây, các nước Arab sẽ không thể xem thường sức mạnh của “gấu Nga”, trái lại sẽ nhìn nhận rằng Nga là một trong những lực lượng đóng vai trò quan trọng nhất trên trường quốc tế.

Với những thắng lợi như thế thì 3 triệu USD chi phí mỗi ngày cho chiến dịch của Nga ở Syria quả thật không đáng kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn thu chính đang cạn kiệt vì giá dầu chạm sàn, kinh tế không sáng sủa vì những biện pháp trừng phạt của phương Tây thì quyết định của Tổng thống Putin cho rút quân là phù hợp.

Cũng có quan điểm rằng, chi phí cho cuộc chiến ở Syria là gánh nặng đối với ngân sách Nga và nếu không khéo thì uy tín của ông Putin sẽ giảm sút, bởi người dân nước ông đương nhiên sẽ lựa chọn giải pháp bảo đảm nền kinh tế, chứ không chọn giải pháp quân sự. Hơn nữa, Syria không thể là một “Crimea thứ hai” nên ông Putin biết cách dừng lại đúng lúc.

VĨNH AN

.