Quốc tế

Trung Quốc bắt đầu siết trừng phạt Triều Tiên

08:20, 11/03/2016 (GMT+7)

Trung Quốc đang siết chặt hơn nữa việc kiểm soát trong mối quan hệ kinh tế với CHDCND Triều Tiên. Điều này minh chứng việc Bắc Kinh tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng.

Các trang thiết bị ngành y bị giữ lại tại một cảng ở Pyeongtaek, Hàn Quốc khi đang trên đường vận chuyển tới CHDCND Triều Tiên. 										             Ảnh: Reuters
Các trang thiết bị ngành y bị giữ lại tại một cảng ở Pyeongtaek, Hàn Quốc khi đang trên đường vận chuyển tới CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Thông tin từ các quan chức phụ trách thương mại của Trung Quốc cho biết, mọi tàu hàng của CHDCND Triều Tiên đã cập các cảng biển Trung Quốc đều bị cấm về nước kể từ ngày 10-3.

Đáng chú ý nhất trong số các nội dung trừng phạt là việc yêu cầu kiểm soát mọi hàng hóa ra vào Triều Tiên, dừng hoạt động nhập khẩu các mặt hàng than và sắt thép của Triều Tiên vì lợi nhuận từ các hoạt động này sẽ bị sử dụng vào việc phát triển thêm chương trình hạt nhân.

Cứ mỗi lần một lệnh trừng phạt áp lên CHDCND Triều Tiên được thông qua, một câu hỏi “trị giá triệu đô” là liệu Trung Quốc - quốc gia đối tác thương mại hàng đầu của Bình Nhưỡng - sẽ thực thi những lệnh cấm vận đó nghiêm túc đến đâu. Cho tới nay, có thể thấy Bắc Kinh đang tỏ ra “mạnh tay” trong việc tăng cường kiểm soát các hoạt động giao thương với Triều Tiên, phù hợp với các lệnh trừng phạt mới.

Hãng Reuters cho biết, theo nghị quyết của LHQ, Bộ Giao thông Trung Quốc đã lập “danh sách đen” gồm 31 tàu hàng của CHDCND Triều Tiên. Kể từ đó, đã có 3 tàu hàng của Triều Tiên chỉ thả neo chớp nhoáng tại các cảng biển Trung Quốc trước khi rời đi, rõ ràng đã bị chính quyền nước này từ chối cho vào neo đậu. Một ví dụ gần đây nhất là tàu hàng Grand Karo của CHDCND Triều Tiên đã bị cấm cập cảng biển Rizhao của tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có các động thái khác, kể cả áp lệnh cấm vận với các tàu hàng của CHDCND Triều Tiên vào thành phố biên giới Đan Đông.

Tờ Chosun Ilbo dẫn nguồn tin từ một nhân viên ngân hàng cho biết, các ngân hàng ở thành phố Đan Đông ở gần biên giới Triều Tiên cũng được yêu cầu chặn các khoản tiền gửi về nước này. Tất cả chi nhánh ngân hàng của CHDCND Triều Tiên đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ bị đóng cửa trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm lệnh trừng phạt thông qua.

Sắp tới, Trung Quốc dự kiến áp dụng lệnh cấm toàn diện về thương mại liên quan tới các tàu hàng Triều Tiên. Trong khi đó, báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho biết, thực tế từ đầu tháng 3 năm nay, trước khi nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên của HĐBA LHQ có hiệu lực chính thức, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin ngoại giao cho hay, lượng hàng hóa vận chuyển hằng ngày qua biên giới Trung Quốc - Triều Tiên đã giảm từ 20-30% kể từ khi LHQ thông qua lệnh trừng phạt. Theo Reuters, sau đợt áp lệnh trừng phạt gần đây nhất của LHQ với CHDCND Triều Tiên vào năm 2013, hoạt động giao thương giữa hai nước đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Năm 2016, hoạt động giao thương, nhất là lĩnh vực nhập khẩu than đá, có thể tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa không chỉ bởi lệnh trừng phạt của LHQ. Nhìn tổng thể, lượng nhập khẩu hàng hóa toàn cầu của Trung Quốc đã giảm 14% trong năm 2015, triệu chứng của tình trạng kinh tế giảm tốc ở cả trong và ngoài nước.

Trong khi đó, Trung Quốc đang thúc đẩy việc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và hướng tới nguồn năng lượng có thể tái tạo, theo đó dẫn tới giảm nhập khẩu than. Nhờ nhu cầu giảm và năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất than nội địa Trung Quốc tăng, tổng lượng than nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 30% năm 2015 và dự kiến sẽ giảm tiếp trong năm nay. Nói cách khác, hoạt động nhập khẩu hàng hóa CHDCND Triều Tiên của Trung Quốc chắc chắn sẽ đối mặt với một cuộc chiến cam go không hẳn chỉ vì các lệnh trừng phạt.

Trung Quốc liên tục lặp lại cam kết sẽ tuân thủ việc thực thi các lệnh trừng phạt mới nhất LHQ áp lên CHDCND Triều Tiên, như Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp báo thường niên ngày 8-3: “Chúng tôi có trách nhiệm và khả năng thực thi mọi nghị quyết do HĐBA thông qua, kể cả Nghị quyết 2270”.

Tuy nhiên, ông Vương Nghị nhấn mạnh: Các lệnh trừng phạt chỉ là một phần nội dung nghị quyết. Ông giải thích: “Nghị quyết cũng nhắc lại việc ủng hộ vòng đàm phán 6 bên và yêu cầu các bên không áp dụng những hành động có thể gia tăng căng thẳng. Do đó, theo quan điểm của Trung Quốc, nghị quyết phải được thực thi trọn vẹn”. Ông này cũng nói thêm rằng, nếu chỉ chăm chăm việc trừng phạt và gây áp lực thì các bên đã tỏ ra vô trách nhiệm với tương lai của bán đảo Triều Tiên.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của LHQ, sáng sớm 10-3, CHDCND Triều Tiên lại bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực Kangwon, tỉnh Bắc Hwanghae của nước này, ra biển Nhật Bản với tầm bắn khoảng 500km. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nhận định: Vụ bắn tên lửa tầm ngắn này nhằm thị uy sức mạnh để phản đối nghị quyết trừng phạt của LHQ và các biện pháp trừng phạt đơn phương của Hàn Quốc nhằm vào CHDCND Triều Tiên, cũng như cuộc tập trận chung thường niên Hàn - Mỹ đang diễn ra.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.