Quốc tế

Triều Tiên phóng tên lửa thất bại

08:06, 01/06/2016 (GMT+7)

Hàn Quốc nói rằng, vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên vào sáng sớm 31-5 đã thất bại. Đây là tên lửa tầm trung Musudan, có thể bay đến các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Một người dân xem vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên tại nhà ga Seoul ngày 31-5. 	 Ảnh: AP
Một người dân xem vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên tại nhà ga Seoul ngày 31-5. Ảnh: AP

Ngày 31-5, quân đội Hàn Quốc cho biết, CHDCND Triều Tiên đã phóng một tên lửa được cho là loại tầm trung mới nhất của nước này và dường như thất bại, có thể đã nổ tung trên bệ phóng. Tên lửa được phóng là loại tầm trung Musudan. Đây là thất bại mới nhất của CHDCND Triều Tiên trong hàng loạt thất bại của chương trình vũ khí đạn đạo vốn có thể đe dọa lục địa Mỹ.

Theo Reuters, vụ phóng tên lửa diễn ra trong lúc căng thẳng vẫn gia tăng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng 1 vừa qua và thử tên lửa tầm xa sau đó chỉ 1 tháng. Người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, ông Jeon Ha-Gyu, khẳng định vụ phóng đã thất bại.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Seoul, ông Jeon Ha-Gyu không giải thích lý do thất bại, chỉ nói rằng, giới chức Hàn Quốc đang phân tích vụ việc này và nước ông đang duy trì thế trận quốc phòng mạnh mẽ.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phát hiện vụ phóng nói trên. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc chỉ trích nước láng giềng phía bắc trên bán đảo Triều Tiên đang phớt lờ những cảnh báo của cộng đồng quốc tế. “CHDCND Triều Tiên sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn và bị cô lập nếu không chấm dứt các hành động kiểu như vậy”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cho June-Hyuck nói với báo giới.

Trong khi đó, Nhật Bản gọi việc CHDCND Triều Tiên thử tên lửa là hành động “khiêu khích” và “không thể chấp nhận được”. “CHDCND Triều Tiên lặp lại việc phóng tên lửa đạn đạo là hành động nghiêm trọng, khiêu khích, chống lại cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản”, Ngoại trưởng Fumio Kishida phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo. Nhà ngoại giao này còn nhấn mạnh: “Chúng tôi tuyệt đối không thể chấp nhận điều này”. Song, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nhận định, vụ phóng tên lửa không gây bất kỳ mối đe dọa an ninh trực tiếp nào đối với Tokyo.

Từ ngày 30-5, Chính phủ Tokyo đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng đánh chặn bất kỳ tên lửa đạn đạo nào của CHDCND Triều Tiên nếu tên lửa bay vào lãnh thổ Nhật Bản. “Không có dấu hiệu CHDCND Triều Tiên ngừng phát triển tên lửa hạt nhân và vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để đáp trả, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình”, Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani nói.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng phát hiện các dấu hiệu cho thấy CHDCND Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo. Theo một nguồn tin quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã triển khai một số lượng chưa thể xác định tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan trên các bệ phóng di động ở khu vực bờ biển Wonsan ở phía đông.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm CHDCND Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn phóng tên lửa tầm ngắn ở bờ biển phía đông.

Lần đầu tiên được công bố là tên lửa bản địa tại một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng vào tháng 10-2010, từ đó đến nay, Musudan chưa bao giờ được thử thành công. Hồi tháng 4 vừa qua, CHDCND Triều Tiên thử tên lửa Musudan, có tầm bắn từ 2.500 - 4.000 km nhưng thất bại 3 lần do tên lửa bị nổ trên không hoặc rơi xuống nước vài giây sau khi rời khỏi bệ phóng.

Trong những tháng gần đây, CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã có những đột phá về kỹ thuật trong việc phát triển những gì mà nước này xem là mục tiêu cuối cùng của chương trình vũ khí hạt nhân: một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân để nhằm vào mục tiêu là lục địa Mỹ.

Theo các quan chức Liên Hợp Quốc, CHDCND Triều Tiên chưa bao giờ thông báo với các cơ quan Liên Hợp Quốc về bất kỳ kế hoạch phóng tên lửa nào. Riêng phía Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của CHDCND Triều Tiên, kêu gọi các bên kiềm chế để tránh tình trạng căng thẳng leo thang.

Quan chức cấp cao Triều Tiên bất ngờ đến Trung Quốc

Ngày 31-5, ông Ri Su Rong, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, bất ngờ có chuyến công du Trung Quốc trong động thái được cho là nhằm làm ấm lại quan hệ với quốc gia láng giềng. Theo đó, ông Ri Su Rong đến Trung Quốc để thông báo với các quan chức nước chủ nhà về kết quả Đại hội đảng Lao động Triều Tiên diễn ra hồi đầu tháng 5-2016.

Song, theo hãng Kyodo, việc thiếu vắng đại diện cấp cao của Trung Quốc tại Đại hội đảng của CHDCND Triều Tiên vừa qua là dấu hiệu rõ nhất cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh truyền thống. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng và vẫn luôn bảo vệ về mặt ngoại giao của quốc gia này trong nhiều thập niên. Song, mối quan hệ giữa hai bên gia tăng căng thẳng trong thời gian qua do chương trình thử hạt nhân và việc Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp lên CHDCND Triều Tiên.

ĐỖ DƯƠNG

PHÚC NGUYÊN

.