Quốc tế

Những điều cần biết về vụ rò rỉ Hồ sơ Thiên đường chấn động

14:40, 07/11/2017 (GMT+7)

Các tài liệu trong vụ rò rỉ thông tin lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau vụ Hồ sơ Panama và được đặt biệt danh Hồ sơ Paradise (Thiên đường), cho thấy một mạng lưới tài chính khổng lồ, nằm ngoài tầm kiểm soát của rất nhiều chính quyền, thuộc về những người giàu có quyền lực bậc nhất thế giới. Dưới đây là những gì độc giả cần biết về vụ việc chấn động này.

Vụ Paradise Papers đang làm chấn động giới siêu giàu và tinh hoa thế giới. (Nguồn ICIJ)
Vụ Paradise Papers đang làm chấn động giới siêu giàu và tinh hoa thế giới. (Nguồn ICIJ)

Hồ sơ Paradise nghĩa là gì?

Đây là biệt danh dành cho kho dữ liệu gồm 13,4 triệu tài liệu rò rỉ từ Appleby - một công ty luật đóng ở Bermuda chuyên điều hành các tài khoản ở nước ngoài - và công ty con Estera của nó. Tổng lượng dữ liệu trong vụ Hồ sơ Paradise lên tới 1,4 TB. Con số này bé hơn mức 2,6 TB dữ liệu của vụ Hồ sơ Panama, nhưng lớn hơn tất cả các vụ rò rỉ thông tin khác, gồm vụ Bí mật các tài khoản hải ngoại 2013 (260 GB dữ liệu), vụ hồ sơ thuế Luxembourg 2014 (4,4 GB), vụ hồ sơ HSBC 2015 (3,3 GB) và vụ WikiLeaks hồi năm 2010 (1,7 GB).

Kho tài liệu này được chuyển đến Sueddeutsche Zeitung, tờ báo Đức đã chia sẻ chúng với Liên minh các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và nhiều tổ chức truyền thông quanh thế giới. Nguồn rò rỉ kho tài liệu Hồ sơ Paradise không được tiết lộ.

Appleby, công ty luật ở trung tâm vụ rò rỉ này, tự gọi mình là "một trong những nhà cung cấp dịch vụ pháp lý về tài khoản ở nước ngoài" lớn nhất thế giới. Các tài khoản hải ngoại bản thân chúng không hề vi phạm pháp luật, nhưng người ta có thể giấu bớt tài sản trong những tài khoản này, để không bị chính quyền bản địa đánh thuế. Ngoài ra, chủ nhân của các tài khoản hải ngoại có thể dùng tiền đầu tư vào những thương vụ gây tranh cãi.

Cần biết rằng Sueddeutsche Zeitung và ICIJ đã giành được một giải Pulitzer trong năm nay nhờ nỗ lực họ dành cho vụ Hồ sơ Panama.

Mối quan hệ của Nga với Facebook và Twitter

Tài liệu từ vụ Hồ sơ Paradise cho thấy các công ty thuộc sở hữu của chính quyền Nga đã thông qua quỹ hải ngoại để đầu tư vào vài công ty lớn ở Thung lũng Silicon, gồm Facebook và Twitter. Cụ thể, tiền được rót vào DST Global, một công ty đầu tư mạo hiểm thuộc sở hữu của tỷ phú Nga Yuri Milner, trước khi chảy sang Mỹ.

VTB Bank, ngân hàng thuộc sở hữu của chính quyền Nga, đã đổ 191 triệu USD vào thương vụ Milner mua 5% cổ phần Twitter hồi năm 2013. Trong khi đó, công ty dầu khí nhà nước Gazprom, hợp tác với một công ty hải ngoại khác, đã bỏ tiền để Milner mua 8% cổ phần của Facebook vào năm 2012. Tuy nhiên tới nay Milner đã bán số cổ phần ông sở hữu trong Facebook.

Milner nói với tờ New York Times rằng các khoản đầu tư sử dụng vốn từ những công ty thuộc sở hữu của chính quyền Nga chỉ thuần túy là "thỏa thuận thương mại" và không có mối quan hệ nào tới chính trị. “Thời đó chuyện rất khác," ông nói với ICIJ. “Khi ấy tôi thậm chí còn không bận tâm tới việc VTB Bank chẳng phải là một nhà đầu tư bình thường."

Nhưng các thương vụ này vẫn có thể bị săm soi, sau khi Mỹ đưa ra cáo buộc cho rằng chính quyền Nga dùng nhiều tài khoản trên Facebook và Twitter để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Thỏa thuận kinh doanh của ông Wilbur Ross có liên quan tới Nga

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã duy trì số cổ phần trị giá từ 2-10 triệu USD trong một công ty vận tải đường biển mang tên Navigator. Khách hàng lớn thứ hai của Navigator là công ty khí đốt Sibur của Nga. Kirill Shamalov, con rể của ông Putin. Shamalov giữ ghế Phó Chủ tịch Sibur và cho tới tháng 4 năm nay, ông này vẫn nắm quyền sở hữu hơn 1/5 công ty. Tuy nhiên sau đó Shamalov đã bán bớt cổ phần của mình.

Gennady Timchenko, một người bạn của ông Putin, cũng có cổ phần trong Sibur. Timchenko đã bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh vào Mỹ kể từ năm 2014. Cổ đông chính của Sibur là Leonid Mikhelson, người đồng thời nắm ghế Tổng giám đốc điều hành công ty khí đốt Novatek. Nhân vật này được cho là người giàu nhất Nga, cũng bị Mỹ triển khai các biện pháp cấm vận tới 2 lần.

Nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal đã liên tiếng cáo buộc Ross cung cấp thông tin sai lạc cho Quốc hội trong buổi điều trần xem xét khả năng bổ nhiệm ông vào ghế Bộ trưởng Thương mại. Thông tin từ Ross khiến các thượng nghị sĩ nghĩ rằng ông chuyển hết cổ phần khỏi Navigator và không hề biết về mối quan hệ của công ty với Nga.

Trả lời phỏng vấn đài NBC, phát ngôn viên của Ross nói rằng ông từ chối không bình luận về các vấn đề liên quan tới hoạt động vận tải xuyên đại dương. Vị phát ngôn viên cũng khẳng định ông Ross ủng hộ các lệnh cấm vận của chính quyền Mỹ nhằm vào nhiều doanh nghiệp Nga. Ông không trả lời cáo buộc đã cung cấp thông tin sai lạc, không đầy đủ chi tiết cho Quốc hội.

Tài khoản hải ngoại của Nữ hoàng Anh

Nữ hoàng Anh Elizabeth II có nhiều khoản đầu tư nằm trong vài quỹ đặt ở nước ngoài, tại những địa điểm vẫn bị xem như thiên đường thuế thấp. Cơ quan đại diện của Nữ hoàng đã xác nhận điều này sau khi một số quỹ nằm tại Cayman Islands và Bermuda bị phát hiện trong vụ Hồ sơ Paradise. Theo cơ quan này, các khoản đầu tư hoàn toàn hợp pháp và không mang lại cho bà bất kỳ sự ưu đãi nào về thuế so với các công dân khác của nước Anh.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng có liên quan tới vụ Hồ sơ Paradise. (Nguồn: DPA)
Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng có liên quan tới vụ Hồ sơ Paradise. (Nguồn: DPA)

Các quỹ ở Cayman Islands và Bermuda có tổng trị giá 10 triệu bảng (13 triệu USD) so với tổng tài sản của Nữ hoàng trị giá 519 triệu bảng (679 triệu USD). Cơ quan đại diện của Nữ hoàng cũng tiết lộ đã đầu tư vào một quỹ nằm tại Ireland, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Qua các quỹ hải ngoại này, tiền của Nữ hoàng đã chảy vào một số công ty đang gây tranh cãi, gồm BrightHouse, nơi chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê đồ nội thất và thiết bị gia dụng, cho những người không đủ tiền mua chúng. BrightHouse đã bị cáo buộc triển khai chính sách bóc lột khách hàng. Tuy nhiên cơ quan đại diện của Nữ hoàng nói rằng họ không biết tiền đầu tư đã chảy vào BrightHouse hoặc vào các địa chỉ khác.

Cố vấn của ông Trudeau chuyển tiền ra nước ngoài

Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng lên tiếng chỉ trích những con người không thực hiện nghĩa vụ thuế của họ giống như các công dân khác. Hồi tháng 3, ông cam kết sẽ làm tốt hơn trong việc chống lại những kẻ trốn thuế và gian lận thuế.

Tuy nhiên tài liệu từ vụ Hồ sơ Paradise cho thấy Stephen Bronfman, bạn thân thời ấu thơ và là một trong những cố vấn thân cận nhất của Trudeau, lại để hàng triệu đô la tại một quỹ đầu tư nằm ở Cayman Islands. Hành động này có thể giúp ông tránh đóng thuế, một cách hợp pháp, ở Canada, Mỹ và Israel.

Được biết Bronfman là người phụ trách gây quỹ hoạt động chính trị cho Trudeau. Ông được xem là người giúp xây dựng sự nghiệp cho Thủ tướng Canada.

Còn những ai khác liên quan tới vụ Hồ sơ Paradise?

Ngoài ông Ross, một số nhân vật khác trong chính quyền Mỹ cũng được cho là có liên quan tới các tài khoản nằm ở hải ngoại. Họ bao gồm Cố vấn kinh tế Gary Cohn, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Đã có những nghi ngờ về việc đại gia Nga Alisher Usmanov vi phạm luật quản lý giải Ngoại hạng Anh, thông qua việc sở hữu cổ phần của CLB Everton, ngoài số cổ phần đã mua tại CLB Arsenal. Trong khi đó, tập đoàn khai khoáng Glencore bị phát hiện đã bí mật cho tỷ phú Israel Daniel Gertler mượn số tiền trị giá 45 triệu USD, sau khi ông tham gia thương thảo một thỏa thuận gây tranh cãi ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Thủ lĩnh ban nhạc U2 Bono thì đầu tư tiền vào một trung tâm mua sắm ở Lithuania, thông qua một công ty đầu tư đóng ở Malta, nơi cũng được xem là thiên đường vì đánh thuế rất thấp. Wesley Clark, một viên tướng 4 sao Mỹ đã về hưu, người từng nắm cương vị Tư lệnh quân NATO ở châu Âu, đã dùng tiền nằm trong một tài khoản hải ngoại đầu tư vào một công ty kinh doanh cờ bạc.

Hồ sơ Paradise còn cho thấy Nữ hoàng Noor của Jordan đứng đằng sau hai quỹ tín thác nằm ở Địa hạt Jersey - vùng đất thuộc địa Vương thất của Anh nhưng được hưởng quyền tự trị đặc biệt và đã trở thành thiên đường thuế.

Bộ trưởng Tài chính Brazil Henrique de Campos Meirelles bị phát hiện bỏ tiền vào một quỹ hoạt động "vì mục đích từ thiện" ở Bermuda. Ông nói rằng quỹ này sẽ hỗ trợ các tổ chức từ thiện giúp thúc đẩy hoạt động giáo dục, sau khi mình qua đời. Ngoại trưởng Uganda Sam Kutesa thì mở một quỹ tín thác ở Seychelles để quản lý gia sản của ông nằm tại hải ngoại.

Theo tờ Guardian, sẽ còn rất nhiều cái tên khác được hé lộ trong thời gian tới đây.

Theo Vietnam+

.