Quốc tế

Mỹ muốn Pakistan mạnh tay chống khủng bố

08:24, 05/12/2017 (GMT+7)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến thủ đô Islamabad để thúc giục các nhà lãnh đạo Pakistan nỗ lực kiềm chế các chiến binh - lực lượng bị cáo buộc sử dụng lãnh thổ quốc gia Nam Á này làm căn cứ để thực hiện các vụ tấn công ở nước láng giềng Afghanistan.

Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis lần đầu đến Pakistan. 		Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis lần đầu đến Pakistan. Ảnh: Reuters

Hãng AFP cho biết, chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis diễn ra trong lúc Washington gây áp lực, buộc đồng minh Pakistan phải loại bỏ “nơi ẩn náu an toàn của các chiến binh”. Đáng lưu ý, vài ngày trước đó, các nhà chức trách Pakistan phóng thích một đối tượng bị tình nghi chủ mưu các vụ tấn công ở trung tâm tài chính Mumbai năm 2008.

Theo Reuters, hơn 100 ngày kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược Nam Á nhưng các nhà phân tích và quan chức Mỹ nói rằng, thành công của chiến lược này đến nay rất ít ỏi. Các quan chức Mỹ cảm thấy bối rối trước sự miễn cưỡng của Pakistan trong việc chống lại các nhóm như Taliban, hay mạng lưới Haqqani. Lực lượng này bị cho rằng đã và đang sử dụng lãnh thổ Pakistan làm nơi ẩn náu an toàn để tiến hành các vụ tấn công ở Afghanistan.

“Chúng tôi nghe các nhà lãnh đạo Pakistan nói rằng, họ không ủng hộ chủ nghĩa khủng bố… Chúng tôi mong họ hành động vì lợi ích của chính mình và vì ủng hộ hòa bình cũng như sự ổn định ở khu vực”, Bộ trưởng Mattis phát biểu với báo giới. Đây cũng là lần đầu tiên ông đến Pakistan trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc. Có thể vì vậy mà ông lạc quan rằng, chuyến đi này sẽ giúp ông và Pakistan tìm được “tiếng nói chung” và “hợp tác cùng nhau”.

Tháng 8 vừa qua, Tổng thống Trump vạch ra một chiến lược mới đối với cuộc chiến ở Afghanistan, đồng thời trừng phạt Pakistan vì cho rằng Islamabad không chịu chống khủng bố. Theo đó, Mỹ đóng băng khoản viện trợ quân sự 255 triệu USD cho Pakistan cho đến khi nhận thấy nước này nỗ lực hơn trong vấn đề truy quét Taliban và Haqqani. “Chúng ta đã chi cho Pakistan hàng tỷ USD, dù quốc gia này là nơi ẩn náu của bọn khủng bố mà chúng ta đang chiến đấu. Điều này sẽ phải thay đổi”, Tổng thống Trump nhấn mạnh. Song, giới phân tích cho rằng, chính phủ của ông Trump chưa làm được gì nhiều cho chiến dịch.

Các quan chức cấp cao Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Rex Tillerson, cũng cho hay, họ chưa thấy sự thay đổi của Pakistan trong việc ngừng ủng hộ các chiến binh. “Chúng tôi đã nói trực tiếp và rất rõ ràng với Pakistan rằng, chúng tôi chưa thấy sự thay đổi”, Tướng John Nicholson, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Afghanistan khẳng định.

Trong lúc đó, Pakistan nói rằng, họ đã thực hiện một thỏa thuận lớn nhằm giúp Mỹ đối phó với các chiến binh. Các quan chức Islamabad cũng bác bỏ những chỉ trích của Washington.

Hãng Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ bày tỏ hy vọng quan hệ giữa hai nước có thể cải thiện sau khi một cặp vợ chồng người Mỹ và Canada cùng 3 người con (được sinh ra trong thời gian bị bắt cóc) đã được Pakistan giải thoát hồi tháng 10 vừa qua sau gần 5 năm bị Taliban bắt cóc tại Afghanistan. Tuy nhiên, chính phủ của ông Trump đã có những phát ngôn cứng rắn với Pakistan. Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Mattis công du Nam Á nhưng ông không dừng ở Pakistan mà dừng chân ở Ấn Độ. Nhà phân tích Madiha Afzal ở Viện Brookings cho rằng, Pakistan hiện không thật sự quan tâm đến viện trợ của Mỹ bởi nước này đang nhận tiền từ những nơi khác… 

Mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan càng không nồng ấm khi Tòa án Pakistan hồi cuối tháng 11 vừa qua ra phán quyết phóng thích giáo sĩ Hafiz Saeed, bị tình nghi chủ mưu các vụ đánh bom ở Mumbai năm 2008. Phán quyết này khiến Nhà Trắng tức giận, yêu cầu Pakistan tái giam giữ và sớm khởi tố Saeed.

Saeed là người đứng đầu nhóm Jamaat-ud-Dawa, vốn bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố và treo thưởng 10 triệu USD cho việc tiêu diệt được đối tượng này.

PHÚC NGUYÊN

.