Các nhà chức trách Pháp đang điều tra vụ tấn công bằng dao xảy ra vào tối 12-5 theo hướng khủng bố. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết quốc gia châu Âu này sẽ không nhân nhượng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Các nhà chức trách kiểm tra hiện trường vụ tấn công ở thủ đô Paris tối 12-5. Ảnh: NBC News |
Vụ tấn công bằng dao xảy ra gần khu vực nhà hát lớn và trung tâm giải trí ở thủ đô Paris tối 12-5 làm một người đàn ông 29 tuổi thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Đối tượng đã bị cảnh sát bắn chết.
Nghi phạm là người Pháp gốc Chechnya
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm và cho biết đối tượng thực hiện vụ tấn công là thành viên của tổ chức này. Hãng tin Aamaq của IS sáng 13-5 đăng một tuyên bố rằng, vụ tấn công nhằm đáp lại lời kêu gọi của nhóm nhằm vào các thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu trong chiến dịch đánh bật các chiến binh Hồi giáo cực đoan ra khỏi lãnh thổ Iraq và Syria.
Quân đội Pháp tham gia liên minh quốc tế kể từ năm 2014 - nguyên nhân khiến nước này hứng chịu các vụ tấn công do IS thực hiện trong những năm gần đây, làm hơn 200 người chết, trong đó có các vụ tấn công đẫm máu ở Paris vào tháng 11-2015 làm 130 người thiệt mạng.
Theo các công tố viên Paris, khi dùng dao tấn công người đi đường trên phố Gaillon, đối tượng nói trên đã hô to “Allah Akbar” (tiếng Arab có nghĩa là “Thượng đế vĩ đại”). Tổng thống Emmanuel Macron cam kết Pháp sẽ không cúi đầu trước chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Trên Twitter, ông viết: “Nước Pháp một lần nữa phải trả giá bằng máu, nhưng sẽ không nhân nhượng trước những kẻ thù của tự do, dù chỉ một ly”. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb gọi đây là vụ tấn công ghê tởm.
Các nhà chức trách cũng xác định nghi phạm là công dân Pháp, sinh năm 1997 tại vùng Chechnya thuộc Nga nhưng chưa tiết lộ danh tính, đồng thời bắt giữ cha mẹ của đối tượng này để thẩm vấn. Nghi phạm cũng có tên trong “fiche S” danh sách theo dõi của Pháp đối với những người có thể tạo ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Danh sách này bao gồm các đối tượng bị tình nghi là Hồi giáo cực đoan.
Năm 2015, Thủ tướng Pháp lúc đó là ông Manuel Valls tiết lộ, có đến 20.000 cái tên trong “fiche S”. Nếu thông tin nói trên về nghi phạm được xác nhận, đây là lần đầu tiên một người gốc Chechnya tiến hành tấn công khủng bố trên đất Pháp.
Cộng hòa Chechnya thuộc khu vực Bắc Caucasus, miền nam nước Nga - nơi các nhóm chiến binh thánh chiến hoạt động, trong đó có những nhóm liên hệ với IS. Theo hãng BBC, IS đã chiêu mộ các tay súng tại Chechnya, sau đó đưa hàng trăm người đến các vùng xung đột ở Syria và những nơi khác. Vì vậy, có nhiều mối lo ngại rằng, các tay súng này sẽ trở về và thực hiện các vụ tấn công ngay tại quê nhà.
Đánh bom ở Indonesia: 11 người chết
Trong lúc đó, sáng 13-5, các vụ đánh bom liên tiếp nhằm vào 3 nhà thờ ở Surabaya, thủ phủ tỉnh Đông Java của Indonesia làm ít nhất 11 người chết và 41 người khác bị thương. Hãng Reuters cho hay, các địa điểm bị tấn công bao gồm: nhà thờ Pantekosta, nhà thờ Thiên chúa giáo Diponegoro và nhà thờ Thánh Maria, mỗi vụ xảy ra cách nhau 10 phút. Cảnh sát đã ra lệnh đóng cửa tất cả các nhà thờ tại Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia; đồng thời cho biết ít nhất 5 kẻ đánh bom liều chết đã gây ra vụ việc, trong đó có 1 phụ nữ.
IS cũng nhận trách nhiệm nhưng cảnh sát bác bỏ sự liên quan của tổ chức này. Theo người phát ngôn cơ quan tình báo Indonesia Wawan Purwanto, các vụ tấn công do tổ chức Jemaah Ansharut Daulah (JAD) thực hiện và có thể có mối liên hệ với vụ bắt giữ con tin tại một nhà tù ngoại ô thủ đô Jakarta hồi tuần trước. JAD được cho là lấy cảm hứng từ IS.
Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo đã đến Surabaya và yêu cầu truy tìm thủ phạm. Các nhà thờ ở Indonesia cũng từng là mục tiêu tấn công vào đêm Giáng sinh năm 2000 khiến 15 người thiệt mạng và gần 100 người khác bị thương. Thời gian gần đây, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới này chứng kiến sự trỗi dậy của các chiến binh lấy cảm hứng từ IS.
VĨNH AN