Lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám

.

Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu hiện vẫn ở mức tích cực bởi tình trạng bất ổn chỉ xảy ra tại một số thị trường mới nổi, nhưng các chuyên gia vẫn lo ngại bức tranh u ám khi các bất đồng thương mại đang diễn ra.

Nông dân ở làng Kehribal, huyện Anmantnag, thuộc Kashmir (Ấn Độ) thu hoạch táo. Ảnh: Tân Hoa xã
Nông dân ở làng Kehribal, huyện Anmantnag, thuộc Kashmir (Ấn Độ) thu hoạch táo. Ảnh: Tân Hoa xã

Ở khu vực Mỹ Latinh, cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng của Venezuela làm đồng tiền nước này bị sụt giảm nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến các nước láng giềng. Trong khi đó, đối mặt với những món nợ công khổng lồ, hai nền kinh tế lớn Brazil và Argentina phải “cầu cứu” các tổ chức tài chính quốc tế trợ giúp.

Tại châu Phi, Nam Phi - nền kinh tế lớn của “lục địa đen” - nhiều khả năng sẽ sớm yêu cầu sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong trường hợp nguồn thu ngân sách quốc gia không đủ để chi trả các khoản nợ công đang trên đà tăng nhanh chóng. Nợ công của nền kinh tế trị giá 300 tỷ USD này đang ở mức 53,1% GDP và dự báo tăng lên 56,2% GDP trong 5 năm tới.

Châu Âu cũng đang chịu thách thức với việc Anh rời Liên minh Châu Âu - EU (còn gọi là Berxit) khi các cuộc đàm phán chưa có nhiều dấu hiệu khả quan. Mặt khác, nhiều nước EU đang loay hoay đối phó với hàng loạt biện pháp trừng phạt mà Mỹ nhằm vào Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… vốn tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không những không có dấu hiệu xuống thang, mà còn chuyển sang cả lĩnh vực quốc phòng - an ninh, ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu.

Riêng tại khu vực châu Á, trong báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) mới đây đã xác nhận dự báo tăng trưởng 6% cho khu vực trong năm nay, nhưng hạ thấp mức dự báo cho năm tới, từ 5,9% xuống còn 5,8%.

Ông Yasuyuki Sadawa, Trưởng nhóm kinh tế gia của ADB cho rằng, “nguy cơ sụt giảm tăng cao” do tác động của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung trên dây chuyền cung ứng trong khu vực và nguy cơ vốn đầu tư bị rút đi khỏi khu vực một cách bất ngờ trong trường hợp FED tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.

Đối với các quốc gia Đông Nam Á, ADB dự kiến tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2019 không cao, lạm phát tăng nhanh, vốn đầu tư rút bớt đi, tình trạng khó khăn trong cán cân chi thu tác động đến triển vọng kinh tế.

Trong bài phát biểu trước thềm các hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Indonesia, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định, mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức cao nhất kể từ năm 2011 nhưng đà này đã chững lại.

Theo bà, các tranh chấp thương mại và thuế quan đang bắt đầu khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và 2019 đạt 3,9%. Tuy nhiên, triển vọng này đã ít sáng sủa hơn và IMF sẽ đưa ra dự báo mới vào tuần tới.

Cũng theo Tổng Giám đốc IMF, các hàng rào thuế quan đang kìm hãm tăng trưởng toàn cầu, không chỉ tác động đến thương mại mà còn ảnh hưởng đến đầu tư và sản xuất. Trong khi Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ do cắt giảm thuế và điều kiện kinh tế thuận lợi, khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và Nhật Bản lại có dấu hiệu chậm lại.

Bà Lagarde nhấn mạnh: Chiến tranh thương mại cùng với lãi suất cao và đồng USD mạnh hơn đang gây ảnh hưởng đến một số nền kinh tế mới nổi. Một nghiên cứu mới của IMF cho thấy, các thị trường mới nổi (trừ Trung Quốc) có thể phải chứng kiến mức nợ lên tới 100 tỷ USD, tương đương thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu 10 năm trước.

Trong khi đó, Chủ tịch FED Jerome Powell nhận định, triển vọng kinh tế toàn cầu hiện vẫn ở mức tích cực bởi tình trạng bất ổn chỉ xảy ra tại một số thị trường mới nổi. Phát biểu này có phần lạc quan hơn nhiều so với nhận định của lãnh đạo IMF, hay báo cáo công bố ngày 26-9 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) rằng, nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu lung lay với các cuộc chiến thương mại và nguy cơ bất ổn sâu hơn.

Thậm chí, các chuyên gia của ngân hàng hàng đầu Mỹ JPMorgan Chase cảnh báo về “cú sốc kinh tế”, được mô tả là “siêu khủng hoảng” vào năm 2020.

TUYẾT MINH 

;
.
.
.
.
.
.