5 năm vẫn chưa "giải mã" vụ MH370

.

Việc máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines chở 239 người mất tích trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh vào ngày 8-3-2014 đến nay vẫn là bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không thế giới.

Những người thân của các nạn nhân vẫn muốn tìm câu trả lời về sự mất tích bí ẩn của MH370. 	 Ảnh: AFP
Những người thân của các nạn nhân vẫn muốn tìm câu trả lời về sự mất tích bí ẩn của MH370. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, những người thân của các nạn nhân là công dân Malaysia cứ mỗi tháng gặp gỡ một lần tại quán cà-phê hoặc tại nhà riêng ở thủ đô Kuala Lumpur nhằm động viên nhau và thu hút sự quan tâm của công chúng, để vụ mất tích không bị lãng quên. Suốt 5 năm qua, họ sống trong đau đớn vì không biết chuyện gì đã xảy ra với những người thân yêu của mình trên chuyến bay định mệnh vào ngày 8-3-2014. 

Ngày 8-3-2019, khoảng 40 người là thân nhân của các nạn nhân Trung Quốc tập trung bên ngoài Bộ Ngoại giao nước này tại Bắc Kinh, đề nghị các nhà chức trách cung cấp thêm thông tin về MH370. Trong số 239 hành khách và phi hành đoàn có mặt trên máy bay, 152 người mang quốc tịch Trung Quốc.
Hai chiến dịch tìm kiếm ở nam Ấn Độ Dương đều không mang lại kết quả, chỉ để lại một vài manh mối gợi mở cho những suy đoán. Chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn đầu tiên có sự phối hợp giữa Malaysia với Trung Quốc và Úc, cùng sự hỗ trợ của quốc tế được triển khai ngay sau khi MH370 mất tích. Song, chiến dịch đã tạm ngừng vào tháng 1-2017, tiêu tốn khoảng 144 triệu USD mà không thể tìm ra dấu vết nào.

Cuộc tìm kiếm thứ hai do Công ty Ocean Infinity của Mỹ thực hiện với cam kết “không thấy, không lấy tiền” cũng kết thúc vô vọng vào tháng 5-2018 sau 90 ngày dò tìm ở khoảng 112.000km2 đáy biển Ấn Độ Dương.

Dấu vết duy nhất đến nay là những mảnh vỡ trôi dạt vào vùng biển phía đông châu Phi - khu vực rất xa nơi mà các chuyên gia cho rằng chiếc máy bay đã biến mất. Hơn 30 mảnh vỡ máy bay được tìm thấy dọc bờ biển Ấn Độ Dương, nhưng chỉ có 3 mảnh vỡ cánh được cho là của MH370.

Đầu tháng 3 này, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cam kết sẽ nối lại chiến dịch tìm kiếm MH370 nếu có chứng cứ mới đáng tin cậy. Báo cáo dài 495 trang được Malaysia công bố vào tháng 7-2018 cho rằng, chiếc Boeing 777 có thể đã bị thao túng điều khiển và đi chệch hướng có chủ ý, nhưng không thể xác định được ai là người chịu trách nhiệm.  

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Phải chăng ai đó đã cố tình đâm chiếc Boeing 777 rơi xuống biển, hay chỉ đơn giản là máy bay hết nhiên liệu? Sao máy bay không phát tín hiệu khẩn cấp? Có bàn tay của khủng bố trong vụ việc này hay không? Nhiều giả thuyết dễ dàng bị bác bỏ, như tên lửa của CHDCND Triều Tiên không bắn hạ MH370; máy bay này cũng không thể được giấu ở Kazakhstan. Cuối thập niên 1990, có hai vụ rơi máy bay của hãng SilkAir và EgyptAir được xác định do phi công cố tình đâm máy bay xuống đất, nhưng giả thuyết phi công MH370 thực hiện vụ tự sát tập thể bằng cách điều khiển máy bay lao xuống Ấn Độ Dương đã bị giới chức Úc bác bỏ. Tất cả những câu hỏi có thể được trả lời nếu các nhà điều tra giải quyết vấn đề then chốt: Máy bay MH370 đang ở đâu?

Trong một báo cáo chính thức, 19 nhà điều tra cũng đã thống nhất kết luận: Không thể xác định nguyên nhân mất tích thực sự của MH370. Ông Martin Dolan, cựu Giám đốc Cục An toàn Giao thông Úc, người từng dẫn đầu chiến dịch tìm kiếm MH370 trong 2 năm cho rằng, vụ mất tích đã được lên kế hoạch, có chủ đích và được tính toán trong thời gian dài. Theo ông Philip Baum, Biên tập viên tạp chí Aviation Security International (ASI), hầu hết các cơ quan tin rằng, việc MH370 mất tích là do hành vi tội phạm.

Chuyên gia phân tích hàng không tại thủ đô Jakarta của Indonesia, ông Gerry Soejatman, cho rằng cần tìm ra xác máy và các hộp đen để biết chuyện gì đã xảy ra. “Chúng ta không chỉ nói về 239 người. Chúng ta đang nói về hàng trăm nghìn hành khách bay mỗi ngày”, chuyên gia này nhấn mạnh. Tuy nhiên, 5 năm qua, vụ MH370 vẫn chưa được “giải mã”.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.