Mỹ - Triều "dọn đường" gặp thượng đỉnh lần 3

.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên có thể diễn ra, nhất là sau khi hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un trao đổi thư cá nhân. Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng khẳng định về sự sẵn sàng tham gia đối thoại giữa ông Trump và ông Kim.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ tại Hà Nội hồi tháng 2.Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ tại Hà Nội hồi tháng 2.Ảnh: AP

Trả lời hãng tin AP và 6 hãng thông tấn khác ngày 26-6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, các quan chức Mỹ và CHDCND Triều Tiên đang “đàm phán hậu trường” để sắp xếp hội nghị thượng đỉnh lần 3. Theo người đứng đầu Nhà Xanh, ông Donald Trump và ông Kim Jong-un vẫn sẵn sàng tham gia đối thoại; đồng thời, việc trao đổi thư từ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo đã chứng minh điều đó. Song, ông Moon Jae-in không cho biết các quan chức Mỹ và Triều Tiên có gặp gỡ trực tiếp hay không và địa điểm diễn ra “đàm phán hậu trường”, nhưng cho rằng các điều kiện để chính thức nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa hiện chín muồi.

Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào tháng 2 vừa qua ở Việt Nam, đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, triển vọng nối lại đàm phán vẫn rất cao sau khi ông Trump và ông Kim trao đổi thư cá nhân. Ông Trump mô tả bức thư của ông Kim có nội dung “tốt đẹp và nồng ấm”, còn nhà lãnh đạo Triều Tiên mô tả bức thư của Tổng thống Mỹ có “nội dung thú vị”.

Đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai là cơ hội để Washington và Bình Nhưỡng hiểu nhau hơn và đưa những gì mà họ muốn lên bàn đàm phán. “Thành công của việc phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên không thể do một hay hai hội nghị quyết định”, ông Moon nói, đồng thời cho rằng các cuộc thảo luận tại Việt Nam sẽ hình thành những nền tảng cho việc đàm phán trong tương lai và cả hai bên rõ ràng đã hiểu sự cần thiết của đối thoại.

Với vai trò trung gian hòa giải, cầu nối giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae-in đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un 3 lần vào năm 2018. Giờ đây, ông Moon vừa thúc giục Triều Tiên nối lại đối thoại để thể hiện thiện chí giải giáp hạt nhân, vừa kêu gọi Mỹ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Theo đó, Triều Tiên cần giải giáp hoàn toàn cơ sở hạt nhân Yongbyon. Tổng thống Moon lý giải, khi toàn bộ cơ sở kỹ thuật tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon được dỡ bỏ hoàn toàn và được kiểm chứng thì mới có thể tuyên bố tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên bước vào giai đoạn “không thể đảo ngược”. Ngoại trưởng Mike Pompeo cuối tuần qua cũng khẳng định, Washington sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên vào “một thời điểm nào đó” nếu Bình Nhưỡng cho thấy nước này muốn bàn thảo về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Biegun, sẽ đến Hàn Quốc vào hôm nay (27-6). Một số chuyên gia cho rằng, ông Biegun sẽ gặp các quan chức Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, khu vực giới tuyến phân cách hai miền Triều Tiên. Còn Tổng thống Donald Trump đến Hàn Quốc vào ngày 29 và 30-6 sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản. Chuyến công du này đang làm dấy lên đồn đoán về một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể được tổ chức tại khu vực biên giới liên Triều.

Tuy nhiên, theo hãng AFP, mặc dù có những tín hiệu lạc quan về khả năng nối lại đàm phán Mỹ - Triều, nhưng chưa rõ hai nước có thể đạt được thỏa thuận làm hài lòng cả hai hay không. Một thực tế nữa là Bình Nhưỡng hiện vẫn không hồi đáp lời kêu gọi liên tiếp của Tổng thống Moon Jae-in về nối lại đối thoại nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa. Hơn nữa, việc Tổng thống Trump ngày 21-6 vừa qua gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm một năm có thể “phủ bóng” lên những nỗ lực ngoại giao của ông Moon Jae-in.

THIÊN BÌNH
 

;
;
.
.
.
.
.