Saudi Arabia - Iran tìm giải pháp giảm căng thẳng

.

Sau nhiều năm đối đầu và cạnh tranh sức ảnh hưởng, Saudi Arabia và Iran đang thúc đẩy đàm phán trực tiếp giữa hai nước nhằm giảm căng thẳng ở Trung Đông.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối giải pháp quân sự với Iran sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia khiến vương quốc này có thể tự tìm cách hóa giải xung đột.  Trong ảnh: Tổng thống Donald Trump (trái) gặp gỡ Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.  			                                              Ảnh: Nikkei
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối giải pháp quân sự với Iran sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia khiến vương quốc này có thể tự tìm cách hóa giải xung đột. Trong ảnh: Tổng thống Donald Trump (trái) gặp gỡ Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Nikkei

Theo báo New York Times, sau khi xảy ra vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia vào ngày 14-9 mà Iran bị cho là thủ phạm, triển vọng diễn ra đàm phán giữa hai nước là điều đáng chú ý. Bất kỳ sự hòa giải nào giữa Saudi Arabia và Iran cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến khu vực “chảo lửa” Trung Đông.

Báo New York Times dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối trả đũa Iran bằng giải pháp quân sự sau vụ tấn công nói trên khiến Saudi Arabia phải tự tìm cách hóa giải xung đột. Trong những tuần gần đây, các quan chức Iraq và Pakistan nói rằng, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã đề nghị các nhà lãnh đạo của Baghdad và Islamabad trao đổi với những người đồng cấp Iran về vấn đề giảm căng thẳng. Tehran hoan nghênh động thái này và khẳng định sẵn sàng đàm phán với Riyadh.

Trong một truyên bố trên New York Times ngày 4-10, chính phủ Saudi Arabia cho hay, Iraq và Pakistan đã đề nghị làm trung gian đàm phán giữa hai cường quốc Trung Đông. Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Pakistan Imran Khan gặp gỡ Thái tử Mohammed tại thành phố Jiddah của Saudi Arabia. Mấy ngày sau, khi tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Thủ tướng Khan phát biểu với báo giới rằng, chính Thái tử đã đề nghị ông trao đổi với Iran. “Tôi muốn tránh chiến tranh”, một quan chức cấp cao của Pakistan dẫn lời Thái tử Mohammed nói với Thủ tướng Khan, và người đứng đầu chính phủ Islamabad đã gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ.

Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cũng đã có chuyến công cán đến Saudia Arabia. Một quan chức cấp cao Iraq cho hay, Thái tử Mohammed đề nghị ông Mahdi làm trung gian đàm phán với Iran và Iraq đề nghị chọn Baghdad làm nơi diễn ra đối thoại.

Về phía Iran, phát biểu với kênh Al Jazeera tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani cho biết: “Iran đang để ngỏ việc bắt đầu đối thoại với Saudi Arabia và các nước khác trong khu vực. Đối thoại Iran - Saudi Arabia có thể giải quyết nhiều vấn đề an ninh và chính trị của khu vực”.

Song, theo các nhà phân tích, Saudi Arabia và Iran vẫn mất niềm tin lẫn nhau. Theo đó, triển vọng diễn ra các cuộc đàm phán cấp cao còn xa vời, nhưng chỉ cần một chút ấm lên trong mối quan hệ giữa hai nước cũng có thể ảnh hưởng đến khu vực ngoài biên giới - nơi mà cả Riyadh lẫn Tehran đều đang cạnh tranh sức ảnh hưởng. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Iran và Saudi Arabia một mặt “bắn” tín hiệu về triển vọng đàm phán, một mặt công khai chỉ trích lẫn nhau. Vốn lo đánh mất vai trò lãnh đạo trong thế giới Arab, Riyadh cáo buộc Tehran hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở Iraq, Syria, Lebanon và đặc biệt là Yemen- nơi Riyadh đang “sa lầy” vào cuộc chiến chống phiến quân Houthi kéo dài 4 năm.

Riyadh muốn Iran ngừng chương trình tên lửa đạn đạo, không can thiệp vào vấn đề của các quốc gia Arab và “hành xử như một nước bình thường, chứ không phải là nước bảo trợ khủng bố”. Còn Iran kêu gọi Saudi Arabia “đóng băng” hàng tỷ USD trong các thương vụ vũ khí với Mỹ, ngừng can thiệp ở Yemen chấm dứt phân biệt đối xử đối với cộng đồng thiểu số người Hồi giáo Shiite ở chính vương quốc này.

Trên Twitter, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir viết rằng, nước ông không đề nghị bất kỳ ai chuyển thông điệp đến Iran, nhưng một số quốc gia khác đã đề nghị làm trung gian đàm phán. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, nước Cộng hòa Hồi giáo của ông sẽ chào đón Saudi Arabia nhưng chỉ khi Riyadh ưu tiên mối quan hệ với nước láng giềng hơn việc mua vũ khí của Mỹ.

Thực tế, Iran từ lâu muốn Saudi Arabia rút khỏi liên minh Mỹ và Israel. Các nhà quan sát cho rằng, việc Washington từ chối hành động quân sự với Iran sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu mở ra cánh cửa cho quan hệ giữa Riyadh và Tehran. Ông Philip Gordon, cựu điều phối viên Nhà Trắng tại Trung Đông cũng nhận định, có dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia đang quan tâm tạo dựng mối quan hệ mới với Iran. Tuy nhiên, việc hai cường quốc cùng ngồi vào bàn đàm phán sau nhiều năm tranh giành sức ảnh hưởng và vị thế ở khu vực là điều không dễ.

VĨNH AN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.