Nguy cơ thỏa thuận hạt nhân Iran sụp đổ

.

Cuộc gặp giữa các đối tác tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), diễn ra vào ngày 6-12 tại thủ đô Vienna của Áo là dịp để các nước châu Âu tìm tiếng nói chung với Iran và cứu thỏa thuận này khỏi sụp đổ.

Nhà máy nghiên cứu nước nặng Arak, cách thủ đô Tehran của Iran 320km về phía nam. 					                              Ảnh: AP
Nhà máy nghiên cứu nước nặng Arak, cách thủ đô Tehran của Iran 320km về phía nam. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, khi chưa diễn ra, cuộc gặp giữa nhóm P5+1 (trừ Mỹ) và Iran được cho là sẽ ít có sự thỏa hiệp, nên cơ hội cứu vãn thỏa thuận lịch sử mà các bên đã ký vào năm 2015 rất mong manh. Hơn nữa, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức và Iran nhóm họp trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Tehran và phương Tây. Tehran liên tiếp giảm các cam kết trong JCPOA nhằm phản ứng với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5-2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Không những thế, ngày 5-12-2019, các nước châu Âu và Iran còn tranh cãi về chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.

Trong lúc JCPOA có nguy cơ đổ vỡ, châu Âu đứng trước 2 lựa chọn: cứu vãn thỏa thuận này, hoặc đáp trả những vi phạm của Iran. Kể từ tháng 5-2019, Iran thực hiện hàng loạt giải pháp, trong đó có việc gia tăng làm giàu uranium. Ngày 7-11 vừa qua, trong bước đi thứ tư cắt giảm cam kết theo thỏa thuận, Iran bắt đầu bơm khí uranium vào các lò ly tâm, nối lại hoạt động làm giàu uranium tại cơ sở Fordow ở miền nam. Iran cũng bắt đầu làm giàu uranium tại nhà máy Natanz ở miền Trung và nhấn mạnh rằng, các biện pháp này có thể nhanh chóng được đảo ngược nếu các bên còn lại của thỏa thuận tìm ra cách giúp Iran tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Iran khẳng định có quyền thực hiện các biện pháp nhằm đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA. Động thái của Iran khiến các đối tác châu Âu đứng ngồi không yên bởi lo ngại thỏa thuận sụp đổ. Châu Âu dọa sẽ cân nhắc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo JCPOA, và cơ chế này có thể dẫn đến việc Liên Hợp Quốc (LHQ) áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran nếu nước này tiếp tục điều chỉnh các cam kết. Cơ chế nói trên bao gồm nhiều giai đoạn và muốn kích hoạt thì có thể mất vài tháng. “Tôi nghĩ, cánh cửa đàm phán và cứu vãn thỏa thuận hầu như không mở”, hãng Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu nói.

Theo các nhà ngoại giao châu Âu, sẽ không có một quyết định chính trị nào cho đến tháng 1-2020, thời điểm Iran có thể giảm hơn nữa các cam kết. Một quan chức cấp cao Iran nói: “Các đối tác châu Âu tham gia thỏa thuận nên biết rằng đồng hồ đang điểm từng giây, phút. Họ muốn giữ Iran ở lại thỏa thuận nhưng không có hành động chống lại sự bắt nạt và gây áp lực từ phía Mỹ”.

Anh, Pháp và Đức đã nỗ lực cứu vãn thỏa thuận nhưng các nỗ lực chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Iran liên tiếp chỉ trích 3 quốc gia châu Âu này không bảo vệ được nền kinh tế của Tehran khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Thậm chí, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho rằng, châu Âu đã tiến đến “lằn ranh đỏ” khi gửi thư cho Hội đồng Bảo an LHQ cáo buộc Tehran đang sở hữu tên lửa đạn đạo có hạt nhân.

Các nhà quan sát nhận định, Anh, Pháp và Đức sẽ không kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo JCPOA. Nếu LHQ tái áp đặt trừng phạt Iran, thỏa thuận sẽ sụp đổ và Tehran cũng sẽ rút khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Phát biểu với hãng AFP, ông Ali Vaez thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cảnh báo nguy cơ JCPOA sụp đổ rất cao khi Iran dần xa thỏa thuận. Cựu Đại sứ Pháp tại Iran Francois Nicoullaud cũng cho rằng, căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng.

Trong tuần này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng tuyên bố sẵn sàng trở lại bàn đàm phán nhưng trước hết Mỹ phải dỡ bỏ trừng phạt. Tuy nhiên, theo AFP, Mỹ đang xem xét triển khai thêm từ 5.000 - 7.000 binh sĩ đến Trung Đông để đối phó với Iran.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.