Anh, Italy, Đức đều đang chuẩn bị các biện pháp, chương trình kích thích kinh tế cho các trường hợp khẩn cấp trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động lớn đối với nền kinh tế.
Nhân viên y tế kiểm tra một khu cách ly tạm thời dành cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Florence, Italy, ngày 25-2. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 1-3 cho biết Anh đang lên kế hoạch cho trường hợp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến tồi tệ hơn, đồng thời mô tả dịch bệnh hiện nay là một "thách thức rất, rất lớn."
Trả lời phỏng vấn trang tin Sky News, Bộ trưởng Hancock khẳng định: "Chúng tôi đã có một chiến lược rõ ràng để đối phó với virus corona chủng mới - một thách thức rất, rất lớn. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch cho trường hợp dịch trở nên nghiêm trọng hơn."
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Italy Roberto Gualtieri cho biết tuần tới, nước này sẽ công bố các biện pháp trị giá 3,6 tỷ euro, tương đương 0,2% GDP, để hỗ trợ nền kinh tế đang bị tác động bởi COVID-19.
Trả lời phỏng vấn báo La Repubblica, ông Gualtieri bày tỏ tin tưởng rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ phê chuẩn việc tăng mục tiêu thâm hụt chính thức của Italy.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng Khu vực đồng euro (Eurogroup) sẽ thảo luận về tình hình này vào giữa tuần tới.
Italy hiện là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất châu Âu, với 1.128 ca, trong đó 29 ca tử vong.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức đang chuẩn bị chương trình kích thích kinh tế cho các trường hợp khẩn cấp trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động lớn đối với nền kinh tế Đức vì chuỗi cung ứng rất dễ bị tổn thương.
Bộ trưởng Tài chính liên bang Olaf Scholz muốn khởi động một chương trình viện trợ nếu cầu thiết.
Trả lời phỏng vấn báo Welt am Sonntag (Thế giới Chủ Nhật) ngày 1-3, ông Scholz cho biết: "Nếu cần một sự thúc đẩy như vậy là cần thiết, chúng tôi cũng có phương tiện để khởi động gói kích thích kinh tế."
Theo Bộ trưởng Scholz, trước hết, đó là sự viện trợ khẩn cấp về y tế, có thể rút từ ngân sách hiện tại.
Ông Scholz nhấn mạnh: "Nếu có thêm bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào trong nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn khi thị trường và khu vực sản xuất trên toàn thế giới bị ảnh hưởng, chúng tôi có đủ sức mạnh để phản ứng nhanh chóng, dứt khoát và mạnh mẽ."
Nhóm khủng hoảng của Chính phủ Liên bang Đức hiện đã đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung, ví dụ như hành khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy và Iran phải báo cáo về tình trạng sức khỏe của mình trước khi nhập cảnh vào Đức. Cho đến nay, điều này chỉ hiệu lực với Trung Quốc.
Cũng trả lời phỏng vấn báo trên, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết: "Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một dịch bệnh”, đồng thời kêu gọi tất cả công ty xây dựng kế hoạch của riêng mình để đối phó với đại dịch như các tổ chức công cộng.
Bộ trưởng Spahn thừa nhận những hạn chế trong việc chăm sóc và bảo vệ nhân viên y tế. Ông cũng chỉ trích các nhà sản xuất ở Đức quá phụ thuộc vào các sản phẩm chính từ Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta không nên quá phụ thuộc vào các khu vực khác trên thế giới về thuốc hoặc thiết bị bảo vệ."
Báo cáo của trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Âu tại Mannheim – Đức cho thấy dịch bệnh có khả năng gây ra một cú sốc kinh tế tiêu cực nghiêm trọng.
Người đứng đầu Viện kinh tế thế giới Kiel, ông Gabriel Felbermayr đánh giá cú sốc có khả năng tấn công mạnh vào các công ty Đức vì họ có mạng lưới quốc tế rộng.
Hiện Đức có 79 người nhiễm bệnh, trong đó phần lớn là người sống tại vùng Heinsberg thuộc bang Nordrhein-Westfalen.
Theo Vietnam+