Covid-19 lan rộng ở châu Âu

.

Ý, Đức và Pháp đang trở thành những vùng tâm dịch đáng lo ngại ở châu Âu với số ca nhiễm bệnh tăng cao. Hơn nữa, nhiều quốc gia khác ở “lục địa già” công bố có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên.

Du khách mang khẩu trang phía trước đài phun nước Trevi tại thành phố Rome của Ý. Người dân Ý trước đây không có thói quen mang khẩu trang khi đi lại trên đường phố. 		              Ảnh: AFP/Getty Images
Du khách mang khẩu trang phía trước đài phun nước Trevi tại thành phố Rome của Ý. Người dân Ý trước đây không có thói quen mang khẩu trang khi đi lại trên đường phố. Ảnh: AFP/Getty Images

Chính phủ Ý ra lệnh đóng cửa các trường học trên cả nước trong 2 tuần (từ ngày 5-3 đến 15-3) trong bối cảnh ghi nhận 107 người chết và hơn 3.000 người nhiễm Covid-19. “Đây là quyết định thận trọng để ngăn chặn SARS-CoV-2 vì hệ thống y tế của chúng ta đang có nguy cơ quá tải”, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói.

Vì sao là Ý?

Không chỉ tạm ngừng chuyện học, mà chính phủ Ý còn cấm tổ chức các sự kiện thể thao, thời trang lớn cũng như đóng cửa các hồ bơi, công viên. Ý là quốc gia đầu tiên tại châu Âu áp dụng những biện pháp có quy mô toàn diện như vậy. Theo CNN, hiện tại, các thành phố và thị trấn phía bắc nước Ý bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần, đồng thời cách ly 100.000 người.

Ngày 31-1, Ý có 2 ca nhiễm Covid-19, nhưng số ca nhiễm sau hơn 1 tháng tăng lên đến hơn 3.000. Tâm dịch là khu vực đông dân và giàu có Lombardy cùng các vùng Veneto, Emilia Romagna. Theo đánh giá của giới chuyên gia, tính chất dân số già dường như là một trong những nguyên nhân khiến Ý dễ tổn thương hơn trước Covid-19. “Ý có dân số già”, bác sĩ Massimo Galli, Trưởng khoa Bệnh nhiễm tại bệnh viện Sacco ở thành phố Milan chia sẻ với báo The Guardian. “Những người lớn tuổi có sẵn bệnh lý rất đông. Tôi nghĩ, điều này có thể lý giải vì sao chúng tôi thấy có nhiều ca Covid-19 nặng tại đây”, bác sĩ Galli nói thêm.

Song, dân số già chỉ là một phần nguyên nhân. Theo Hiệp ước Schengen về đi lại tự do, Ý không có quyền kiểm soát biên giới với hầu hết các nước châu Âu. Mặc dù khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, chính phủ Ý đã dừng các chuyến bay đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng hành khách vẫn có thể đến một quốc gia thứ ba rồi mới vào đất nước hình chiếc ủng. Hơn nữa, các nước được hưởng quy chế của Hiệp ước Schengen không cùng kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh nên biện pháp của một mình Ý không mang lại hiệu quả.

Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên cũng là ca “siêu lây nhiễm” ở Ý là vận động viên thể thao 38 tuổi nhưng giới chức hiện vẫn chưa thể xác định được nguồn lây nhiễm.

Đức: 1 ngày có 109 ca nhiễm mới

Viện Robert Koch, trung tâm kiểm soát dịch bệnh liên bang của Đức ngày 5-3 cho biết, trong 1 ngày có thêm 109 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc bệnh lên 349. Trong đó, riêng ở bang North Rhine-Westphalia, bang miền tây đông dân nhất nước, có 175 ca. Ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại bang này vào ngày 24-2.

Trong khi đó, Pháp có thêm 73 trường hợp nhiễm được ghi nhận trong 24 giờ, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 285 người và 4 người tử vong. Song, chính phủ Pháp không hoãn các cuộc bầu cử địa phương, vòng một bầu cử sẽ diễn ra ngày 15-3 và vòng hai vào ngày 22-3.

Thụy Sĩ có ca tử vong đầu tiên do Covid-19, một bệnh nhân 74 tuổi. Tây Ban Nha có ca tử vong thứ hai - một người đàn ông 82 tuổi với tiền sử bệnh mãn tính. Tính đến ngày 5-3, giới chức Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 219 ca nhiễm, trong đó có 76 ca ở thủ đô Madrid.

Iceland có 26 ca nhiễm, tất cả từng đến phía bắc nước Ý hoặc Áo. Iceland đang cách ly 380 người và các nhà chức trách nỗ lực gia tăng khả năng chẩn đoán tại Bệnh viện Landspitali ở thủ đô Reykjavik.
Thụy Điển ghi nhận thêm 22 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 52 người. Hà Lan có thêm 15 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 38 người. Áo có 29 ca nhiễm, trong đó có 15 ca ở thủ đô Vienna.

Hàn Quốc lập thêm khu vực chăm sóc đặc biệt

Ngày 5-3, với 322 ca nhiễm Covid-19 mới, tổng số người mắc bệnh ở Hàn Quốc đã vượt quá 6.000 người và có 41 ca tử vong, hầu hết là những người lớn tuổi.

Hãng Yonhap dẫn lời Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip cho biết, thành phố Gyeongsan có 275.000 dân, thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc, liền kề với thành phố Daegu và quận Cheongdo, trở thành “khu vực chăm sóc đặc biệt” thứ ba dành cho bệnh nhân Covid-19. Theo đó, chính phủ Hàn Quốc sẽ điều động thêm nhân viên y tế cho 3 vùng đặc biệt này (gồm Daegu, Cheongdo và Gyeongsan).

Thành phố Gyeongsan hiện có 229 ca nhiễm.
Phát biểu với báo giới ngày 5-3, Thị trưởng Daegu Kwon Young-jin nói: “Mỗi ngày đều buồn và khắc nghiệt như một cuộc chiến. Nhưng công dân Daegu của chúng tôi đang thể hiện sự khôn ngoan và can đảm bất ngờ”. Các quan chức Daegu cũng cho hay, khoảng 2.120 bệnh nhân đang chờ giường bệnh ở thành phố này.

PHÚC NGUYÊN - ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.