Chung sức gỡ khó trước Covid-19

.

Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Tại Đà Nẵng, một số chuyên gia, doanh nhân đã đề xuất những giải pháp để giảm thiểu tối đa thiệt hại do Covid-19 gây ra và ổn định đời sống kinh tế-xã hội địa phương.

Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp để kích cầu du lịch. Trong ảnh: Du khách tham quan ở Khu du lịch Bà Nà Hills.                Ảnh: THU HÀ
Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp để kích cầu du lịch. Trong ảnh: Du khách tham quan ở Khu du lịch Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ

Tiến sĩ Trương Sĩ Quý, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng): Ngành du lịch cần đi trước đón đầu

Trong quản trị kinh doanh nói chung và quản trị du lịch nói riêng, quản trị rủi ro phải tính đến sự không ổn định của các thị trường khách du lịch khi có sự suy thoái về kinh tế. Tức là các doanh nghiệp phải có chiến lược dự phòng khi tình huống xấu nhất xảy ra. Tính toán đó được dựa vào khả năng về thay đổi sản phẩm, thị trường, tiết kiệm chi phí để tồn tại, vượt qua khó khăn. Thực tế, nước ta đã trải qua nhiều đợt dịch như: SARS, Mers… và kinh tế đều bị ảnh hưởng tùy vào mức độ nhiều hay ít. Riêng đối với ngành du lịch, doanh thu bị giảm rất nhanh không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Với Covid-19, Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều do vị trí địa lý gần với Trung Quốc, thị trường khách du lịch của Việt Nam nói chung chủ yếu là từ Trung Quốc và Hàn Quốc nên bị tác động mạnh, kéo theo các ngành dịch vụ đi kèm cũng suy giảm.

Theo tôi, trước mắt, các doanh nghiệp du lịch phải quan tâm đến thị trường khách lẻ, điều mà trước đây họ thường bỏ qua vì số lượng khách ít; thứ nữa là phải thắt chặt chi tiêu, tính toán cân đối để duy trì qua mùa dịch. Song song đó, cần phải sớm phong tỏa được dịch vì trong quản trị rủi ro thường có sự cộng hưởng, tác động đi kèm nên cảnh giác. Tính minh bạch trong thông tin cũng là điều cần thiết để tránh các tin đồn thất thiệt, gây hại tới địa phương. Ngoài ra, ngành du lịch hiện nay cần đi trước đón đầu, tức là không chờ có khách mới mở đường bay mà nên chủ động có các đường bay tới các thị trường tiềm năng, đơn cử như thị trường Úc. Điều quan trọng là phải xây dựng được sản phẩm phù hợp với đối tượng khách đang hướng đến, phải truyền thông cho khách biết về điểm đến nhiều hơn nữa để thu hút khách.

Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sự kiện và du lịch Kết Nối Mới ( NECOTOUR): Cơ cấu lại chất lượng thị trường khách du lịch

Sau Covid-19 thì giải pháp thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng là điều cần thiết. Đà Nẵng bảo đảm là điểm đến an toàn, thân thiện để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho du khách đã đặt tour từ trước và du khách có ý định du lịch trong thời gian đến. Chính quyền thành phố tiếp tục bám sát và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đã nêu trong kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch của thành phố năm 2020. Các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu, điểm du lịch và các dịch vụ có liên quan nên ngồi lại với nhau càng sớm càng tốt để liên kết đưa ra các gói sản phẩm giảm giá, tăng chất lượng dịch vụ để kích cầu du lịch trong một thời gian nhất định.

Về chính sách hỗ trợ phát triển, thành phố Đà Nẵng và các địa phương khác nên có chính sách giảm giá vé tham quan tại các điểm tham quan, du lịch, giảm thuế trong một thời gian nhất định cho đến khi ngành du lịch có dấu hiệu phục hồi. Hiện nay, trong chi phí du lịch, vé máy bay chiếm phần lớn chi phí cho chuyến đi, vì vậy, các hãng hàng không nên có chính sách giảm giá mạnh và có chính sách linh hoạt trong thời gian này.

Mặt khác, mỗi doanh nghiệp du lịch nên tự chủ động tìm mọi giải pháp cho riêng mình, dựa trên các cơ chế, chính sách của Nhà nước và ngành để có thể thông tin, tiếp cận và thực hiện tốt các giải pháp chiến lược của mình nhằm đẩy mạnh thu hút khách trong thời gian đến; cơ cấu lại nguồn khách theo quốc tịch, ưu tiên các thị trường có dân số đông như: Ấn Độ, Indonesia, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ... để không phụ thuộc vào 2 thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Thị trường khách trong nước vẫn rất quan trọng nên cũng cần có chính sách quan tâm thu hút, kích cầu và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Đạt, giảng viên khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng): Cần sự chung sức của nhiều ngành để gỡ khó cho doanh nghiệp

Tính đến thời điểm hiện tại, ảnh hưởng đối với nền kinh tế của Covid-19 có thể thấy rõ trong những khía cạnh như: giảm sản phẩm đầu ra, giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ (trừ y tế, dược phẩm), gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh do thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu hụt lao động, giảm nhu cầu tín dụng, tăng chi phí bảo hiểm do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình trở nên khó khăn hơn. Vừa qua, ngành ngân hàng đã vào cuộc với nhiều giải pháp như: tăng cường các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… Bên cạnh đó, để phục hồi lại sản xuất kinh tế, cần sự chung sức của rất nhiều ngành như: ngành tài chính có thể xem xét về việc giảm thuế; ngành công thương có tác động kịp thời trong đàm phán để có thêm cơ hội mở rộng thị trường, có động thái cụ thể để thúc đẩy thị trường trong nước…

Đối với bản thân doanh nghiệp, đây là lúc phải xem xét lại cơ cấu doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm cơ hội và tăng cường quảng bá hoạt động kinh doanh trực tuyến. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng cho thấy, việc tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường là rất quan trọng. Ngay bây giờ, các doanh nghiệp cần chuẩn bị phương án sau khi dịch bệnh được kiểm soát (theo kịch bản cơ sở được dự báo là từ giữa quý 2-2020) để sẵn sàng sản xuất kinh doanh năng suất hơn, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ FPT Software Đà Nẵng: Đón làn sóng đầu tư mới

Dù FPT Đà Nẵng cũng đã phải điều chỉnh nhiều kế hoạch công việc, hạn chế các chuyến đi công tác, thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng ngừa và tuyên truyền để phòng, chống dịch bệnh, tuy vậy, Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Do e ngại dịch bệnh, nhiều khách hàng tiềm năng đã hủy các cuộc họp hay chương trình thị sát ở Việt Nam. Một số ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng (như ngành ô-tô), buộc cắt giảm chi tiêu dẫn đến việc một số dự án đã lên kế hoạch hợp tác thực hiện với công ty cũng không thể được triển khai.

Trước mắt, tùy theo điều kiện công việc, một số nhân viên có thể làm việc từ xa; hạn chế các cuộc họp trực tiếp mà chuyển qua hình thức trực tuyến. Các đơn vị cũng cần chấp hành nghiêm túc khuyến cáo từ Bộ Y tế, đơn vị nào đông lao động thì nên thiết lập đường dây nóng để có hỗ trợ khi cần thiết. Dịch bệnh này thực ra cũng là cơ hội, bởi khá nhiều nhà đầu tư đang xem xét lại việc đầu tư cơ sở sản xuất, dịch vụ ở Trung Quốc để chuyển sang địa điểm khác. Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng có những lợi thế nhất định nên giai đoạn này các lãnh đạo và bộ phận bán hàng doanh nghiệp có thể khai thác mở rộng thêm nguồn việc.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.