Ý phong tỏa cả nước vì Covid-19

.

Ý là quốc gia đầu tiên trên thế giới phong tỏa cả nước để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong lúc quốc gia châu Âu này có hơn 9.100 ca mắc Covid-19 và 463 ca tử vong.

Các binh sĩ tuần tra ở cổng nhà ga tàu chính tại thành phố Milan của Ý. Ảnh: AP
Các binh sĩ tuần tra ở cổng nhà ga tàu chính tại thành phố Milan của Ý. Ảnh: AP

Sắc lệnh của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte mở rộng việc phong tỏa ra cả nước từ ngày 10-3 đến 3-4, thay vì chỉ áp dụng ở khu vực phía bắc. Theo đó, người dân Ý được yêu cầu ở nhà, cấm tụ tập nơi công cộng cũng như ngừng các trận đấu bóng đá thuộc giải Serie A.

Hãng Bloomberg cho biết, đây là biện pháp nghiêm khắc chưa từng có ở một quốc gia dân chủ lâu đời như Ý và tác động đến hơn 60 triệu dân. Thủ tướng Conte gọi đây là “giờ đen tối nhất” của đất nước. “Chúng ta cần thay đổi các thói quen ngay bây giờ”, ông Conte phát biểu trong cuộc họp báo tối 9-3 (giờ địa phương). Ông ra lệnh tất cả người dân “ở nhà” và lý giải rằng “chúng ta buộc phải áp dụng sắc lệnh” khi lệnh phong tỏa ở miền bắc vẫn chưa đủ. “Tương lai của nước Ý đang nằm trong tay của chúng ta. Những bàn tay này phải có trách nhiệm hơn bao giờ hết”, người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh.

Tất cả trường học, trường đại học đều đóng cửa. Việc di chuyển ra vào Ý cũng như giữa các thành phố của quốc gia này sẽ được hạn chế. Người dân chỉ nên đi lại trong trường hợp giải quyết công việc hoặc khẩn cấp. Tuy vậy, giao thông công cộng vẫn hoạt động. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng Lombardy ở miền bắc với thủ phủ là thành phố Milan.

Theo Reuters, ngày 10-3, đường phố của thủ đô Rome yên ắng, mọi người mang khẩu trang khi đi lại. Các ô-tô lưu thông dễ dàng thay vì cảnh tắc nghẽn như trước đây. Hành khách cũng dễ dàng tìm chỗ ngồi trong các hệ thống tàu điện ngầm vào những giờ cao điểm.

Ông Giovanni Rezza, Trưởng khoa Truyền nhiễm thuộc Viện Y tế cấp cao của Ý cho rằng, tác động của việc phong tỏa cả nước sẽ chưa thể hiện rõ ràng trong ít nhất một tháng. Theo ông, điều quan trọng hơn là các cá nhân ứng xử như thế nào bởi họ không nhận ra nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Bộ Tài chính Ý đề nghị chính phủ cần có gói kích thích ngắn hạn sau khi đã tăng chi tiêu đến 7,5 tỷ euro (8,5 tỷ USD) nhằm giảm thiểu tác động kinh tế. Chính phủ có thể tăng giá trị của gói này lên 10 tỷ euro, trong đó có các biện pháp y tế và hỗ trợ doanh nghiệp.

​Trong khu vực Liên minh châu Âu (EU), toàn bộ 27 nước thành viên đều có bệnh nhân Covid-19. Cộng hòa Cyprus là nước mới nhất thuộc EU công bố 2 trường hợp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli ngày 10-3 cho biết, mặc dù không có biểu hiện bệnh nhưng ông tự cách ly ở nhà riêng tại Brussels (Bỉ) trong 2 tuần sau chuyến công cán đến Rome. “Covid-19 đòi hỏi trách nhiệm và sự thận trọng của mọi người”, ông Sassoli nói. Một số nhân viên của các cơ quan thuộc EU được xác định mắc Covid-19, trong đó có Hội đồng châu Âu và Cơ quan Quốc phòng châu Âu. Trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng ở ngoại ô Brussels cũng có ca nhiễm SARS-CoV-2.

Iran có 291 ca tử vong

Với 291 ca tử vong và hơn 8.000 ca mắc Covid-19, Iran trở thành vùng tâm dịch lớn thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc đại lục. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur, trong 24 giờ, các nhà chức trách ghi nhận 881 ca mắc Covid-19 mới và thêm 54 bệnh nhân tử vong.

Trong khi đó, ở Trung Quốc đại lục, Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 10-3 đến thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) lần đầu tiên kể từ khi Covid-19 bùng phát vào cuối năm ngoái. Theo hãng Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình kiểm tra công tác phòng chống dịch; gặp gỡ các nhân viên y tế, các quan chức quân đội, nhân viên cộng đồng, cảnh sát và viên chức. Sau đó, ông đến thăm một số người dân Vũ Hán đang cách ly tại nhà.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra trong lúc Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới là người địa phương bên ngoài tỉnh Hồ Bắc trong ngày thứ 3 liên tiếp. Trung Quốc đại lục thông báo ghi nhận 19 ca nhiễm mới và 17 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới, có 17 ca ở Vũ Hán, 2 ca còn lại nhiễm virus sau khi bệnh nhân đi nước ngoài trở về.

Theo tờ New York Times, đa số các khu dân cư ở Vũ Hán vẫn bị phong tỏa nghiêm ngặt, song ngày càng có nhiều khu dân cư được công bố không có ca nhiễm mới. Các quan chức cho biết sẽ đóng cửa 2 trung tâm cách ly tạm thời cho những ca nhẹ cuối cùng. Đến nay, gần 59.900 bệnh nhân Covid-19 đã được xuất viện ở Trung Quốc.

KHANG NINH

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.