Một số quốc gia Bắc Âu sẽ bắt đầu nới lỏng một số quy định hạn chế hoạt động đang được áp đặt để phòng, chống Covid-19. Ý cũng xem xét việc nới lỏng lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới vẫn gia tăng ở nhiều nước châu Âu đặt ra vấn đề rằng, có nên nới lỏng quy định như thế hay không.
Đường phố ở Barcelona (Tây Ban Nha) vắng vẻ do chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế hoạt động. Ảnh: Getty Images |
Theo Reuters, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen sẽ công bố kế hoạch nới lỏng dần lệnh phong tỏa nếu các ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở nước này không biến động. Chính phủ Đan Mạch dự kiến mở cửa trở lại các nhà trẻ và trường tiểu học từ ngày 15-4, xem đây là bước đầu tiên của việc nới lỏng lệnh phong tỏa áp đặt trong 3 tuần. Đan Mạch hiện có gần 5.600 ca nhiễm và 218 ca tử vong.
Na Uy sẽ dần mở cửa lại các nhà trẻ từ ngày 20-4 đến 27-4, các trường học từ lớp 1 đến lớp 4 hoạt động lại từ ngày 27-4. Song, người dân vẫn làm việc tại nhà; đồng thời không tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao cho đến ngày 15-6. Người dân Na Uy vẫn được khuyến cáo không nên ra nước ngoài, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Na Uy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên hạn chế các hoạt động nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, biện pháp hạn chế kéo dài đến ngày 13-4 khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn và hàng trăm ngàn người mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp đang lên đến 15,4%, cao hơn so với tỷ lệ 14,7% vào ngày 31-3. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nói: “Chúng ta đã cùng nhau kiểm soát được virus. Vì vậy, chúng ta có thể dần dần mở cửa đất nước”. Theo thống kê, Na Uy có gần 6.100 ca nhiễm và 101 ca tử vong.
Là một trong những tâm dịch lớn nhất thế giới, Ý có thể bắt đầu dỡ bỏ một số lệnh hạn chế. Phát biểu với đài BBC ngày 9-4, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte khẳng định: “Chúng ta cần chọn các lĩnh vực có thể khởi động lại hoạt động. Nếu các nhà khoa học xác nhận thì chúng ta có thể bắt đầu nới lỏng một số biện pháp vào cuối tháng 4 này”. Song, nhà lãnh đạo Ý nhấn mạnh, lệnh phong tỏa cả nước áp đặt từ ngày 9-3 chỉ có thể được nới lỏng dần dần.
Trong lúc đó, nhật báo La Stampa ngày 9-4 đưa tin: Ý dự kiến kéo dài lệnh phong tỏa thêm 2 tuần sau khi các nhà khoa học cảnh báo với Thủ tướng Conte rằng, còn quá sớm để nới lỏng biện pháp phong tỏa. Cũng theo báo này, ngày 10-4, chính phủ sẽ thông qua sắc lệnh kéo dài việc phong tỏa, thay vì kết thúc vào ngày 13-4 như kế hoạch đặt ra. Ngày 8-4, Ý ghi nhận thêm 542 ca tử vong, thấp hơn so với một ngày trước đó (604 ca), nâng tổng số người tử vong lên hơn 17.600, mức cao nhất của thế giới. Số ca nhiễm mới hơn 3.800, cao hơn con số 3.000 ca của ngày trước đó, nâng tổng số người nhiễm lên gần 140.000, xếp thứ ba (sau Mỹ và Tây Ban Nha).
Đối với Đức, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nền kinh tế lớn nhất châu Âu có số ca nhiễm mới được ghi nhận vào ngày 9-4 lên đến gần 5.000 ca, mức tăng cao nhất trong 5 ngày qua, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 108.000; trong đó có thêm 246 ca tử vong và tổng số ca tử vong là hơn 2.100 người.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez ngày 9-4 cho rằng, nước ông tiến gần đến việc thay đổi đường đi của dịch bệnh theo hướng giảm, đồng thời thúc giục tất cả các đảng chính trị cùng tham gia một thỏa thuận khôi phục kinh tế sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng y tế này. “Cuộc chiến chống virus sẽ giành thắng lợi hoàn toàn”, ông Sánchez phát biểu trước Quốc hội với hơn 300 nghị sĩ dự họp từ xa. Tình trạng khẩn cấp ở Tây Ban Nha được duy trì đến ngày 26-4. Quốc gia phía tây nam châu Âu này hiện có hơn 146.000 ca nhiễm và 14.600 ca tử vong.
Theo hãng tin Bloomberg, các biện pháp hạn chế hoạt động của các chính phủ châu Âu tác động đến kinh tế ở khắp châu lục, ngay cả với các nền kinh tế hàng đầu khu vực này như Đức và Pháp. Tăng trưởng của Đức ước tính sụt giảm 10% từ tháng 4 đến tháng 6, còn tăng trưởng của Pháp trong quý 1 năm nay giảm mạnh nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay. Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến tham vấn với những người đồng cấp ở “lục địa già” vào ngày 15-4 tới để bàn thảo về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng sẽ có bài phát biểu với người dân cả nước vào ngày 13-4.
Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của châu Âu (ECDC) cho biết, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch tại châu lục này đã lên tới đỉnh điểm và không nên dỡ bỏ các biện pháp hạn chế hay phong tỏa. Giám đốc ECDC Andrea Ammon nhận định, dựa trên các bằng chứng hiện có, còn quá sớm để dỡ bỏ các biện pháp ngăn ngừa lây lan, trong đó có giãn cách xã hội, mặc dù các biện pháp này có thể làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội.
Theo hãng tin AFP, châu Âu hiện là một trong vùng tâm dịch lớn nhất thế giới. Covid-19 đã làm khoảng 700.000 người nhiễm bệnh và hơn 60.000 người tử vong ở châu Âu. Nhưng điều đáng nói là bất đồng nảy sinh khiến châu lục này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung đối với kế hoạch cứu trợ nhằm giúp các nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề. |
PHÚC NGUYÊN