Covid-19 không ngăn được xung đột ở Trung Đông

.

Trong lúc các chính phủ tất bật ứng phó với Covid-19, có lẽ mọi người đều nghĩ rằng không ai có thời gian để tiến hành chiến tranh. Tuy nhiên, xung đột vẫn diễn ra ở Trung Đông, dù khu vực này hiện có hơn 90.000 người nhiễm bệnh và 4.000 ca tử vong.

Những phụ nữ Syria mất nhà cửa hiện sống trong các khu tạm bợ ở tỉnh Idlib. 		   Ảnh: AFP
Những phụ nữ Syria mất nhà cửa hiện sống trong các khu tạm bợ ở tỉnh Idlib. Ảnh: AFP

Báo New York Times cho biết, bất chấp lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres về việc ngừng bắn trên toàn cầu, xung đột không hề vắng bóng ở các quốc gia Trung Đông như Syria, Yemen và Iraq.

Syria: Con số thống kê là “phần nổi của tảng băng”

Tại Syria, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ghi nhận 16 ca mắc Covid-19, trong đó có 2 ca tử vong. Song, nhiều nhà quan sát lo ngại số ca nhiễm thực tế cao hơn thế. Nói về số liệu thống kê dịch bệnh mà chính phủ Syria công bố, ông Mark Lowcock - người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (UNOCHA) cho rằng, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng” bởi các dịch vụ y tế của Damascus thiếu hụt, gần 1/2 số bệnh viện và các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu đã bị phá hủy trong cuộc xung đột kéo dài 9 năm.

Khoảng 6,1 triệu dân Syria mất nhà cửa hiện sống trong các lều tạm hoặc những tòa nhà đổ nát, trong đó khoảng 1 triệu người đang sống tại tỉnh Idlib do phe đối lập kiểm soát. Chiến sự tại Idlib tạm lắng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - nước hậu thuẫn lực lượng chính phủ Syria - thống nhất lệnh ngừng bắn cách đây 30 ngày. Song, sáng 5-4, phớt lờ lệnh ngừng bắn, quân đội Syria và các nhóm phiến quân vẫn giao tranh lớn.  

Yemen chưa có ca nhiễm

Tại Yemen, dù không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng quốc gia có 24,5 triệu dân đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo. Tình trạng nội chiến ở Yemen xảy ra từ khi phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa vào cuối năm 2014 khiến Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong. Năm 2015, liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Từ đó đến nay, hơn 10.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột, quốc gia phía nam bán đảo Arab rơi vào khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới với hàng triệu người đứng trước nguy cơ bị đói.

Lực lượng chính phủ và nhóm Houthi đều phản ứng tích cực với lời kêu gọi ngừng bắn của LHQ khi phải “chống lại kẻ thù chung - Covid-19”. Tuy nhiên, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu ngày 30-3 tuyên bố đã thực hiện nhiều cuộc không kích tại thủ đô Sanaa do phiến quân kiểm soát, đáp trả các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các thành phố Riyadh và Jazan. Phía Houthi “tố” Saudi Arabia đã thực hiện ít nhất 19 vụ không kích ở Sanaa.

Các chuyên gia lo ngại nếu Covid-19 xuất hiện ở Yemen thì sẽ gây ra hậu quả khó lường bởi các điều kiện vệ sinh dịch tễ tại nước này không bảo đảm. Đáng lo ngại, gần 18 triệu người, trong đó có 9,2 triệu trẻ em, không được tiếp cận nước sạch.

Mỹ và Iran tranh giành ảnh hưởng ở Iraq

Trong khi đó, tại Iraq, bạo lực tiếp tục diễn ra dù lệnh giới nghiêm toàn quốc được áp dụng đến ngày 11-4 và các nhà chức trách cũng như những nhóm viện trợ cảnh báo rằng Covid-19 có thể gây quá tải cho hệ thống y tế vốn yếu kém ở quốc gia này. Iraq hiện ghi nhận có gần 900 ca nhiễm và 56 ca tử vong. Cuối tháng 3 vừa qua, 3 quả tên lửa được phóng xuống gần Đại sứ quán Mỹ ở Vùng Xanh thuộc trung tâm thủ đô Baghdad. Sáng sớm 6-4, các tên lửa rơi xuống gần các công ty dầu mỏ của nước ngoài và của nhà nước Iraq tại thành phố miền nam Basra, nhưng không gây thiệt hại hay thương vong.

Cũng theo AFP, Mỹ và Iran bị ảnh hưởng đại dịch nghiêm trọng với cả số người nhiễm lẫn tử vong ngày một tăng, nhưng vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy hai quốc gia này chịu từ bỏ việc tranh giành ảnh hưởng ở Iraq. Washington vừa triển khai hệ thống phòng không Patriot tại các căn cứ quân sự ở Iraq để bảo vệ các lực lượng Mỹ hiệu quả hơn.

Iran hiện có hơn 58.000 ca nhiễm và 3.600 ca tử vong. Tuy nhiên, căng thẳng giữa nước Cộng hòa Hồi giáo này với Mỹ vẫn gia tăng. Cách đây vài ngày, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Baqeri nhấn mạnh, Tehran sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Mỹ có hành động phá hoại an ninh của nước ông. Bộ Ngoại giao Iran cho rằng, với việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Iraq, Mỹ đang đẩy khu vực Trung Đông đến thảm họa trong bối cảnh Covid-19 hoành hành.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.