OPEC+ giảm sản lượng để đảo chiều giá dầu

.

Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài (gọi là OPEC+) đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, qua đó chấm dứt cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga.

Bãi khai thác dầu mỏ Nahr Bin Umar ở Iraq. Ảnh: Reuters
Bãi khai thác dầu mỏ Nahr Bin Umar ở Iraq. Ảnh: Reuters

Sau nhiều ngày đàm phán marathon trực tuyến, rốt cuộc các bên liên quan trong và ngoài OPEC đã gạt bỏ những bất đồng, toan tính để đạt được thỏa thuận vào tối 12-4 nhằm ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày (tương đương 10% nguồn cung toàn cầu) trong tháng 5 và 6, bắt đầu từ ngày 1-5, là mức cắt giảm kỷ lục. Cụ thể, Saudi Arabia giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác của OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày. Từ tháng 7 đến tháng 12-2020, mức cắt giảm là 8 triệu thùng/ngày; từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022, cắt giảm 6 triệu thùng/ngày.

OPEC cũng kêu gọi Mỹ và một số nước khác cắt giảm 5 triệu thùng/ngày. Các quốc gia khác thuộc nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cắt giảm thêm 1,3 triệu thùng/ngày.
Theo hãng tin Bloomberg, sáng 13-4, giá dầu thô Brent có lúc tăng 5% lên 33,08 USD/thùng. Giá dầu đã rơi tự do từ giữa tháng 2, thậm chí còn 20 USD/thùng - mức thấp nhất trong gần 2 thập niên, khi một số nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan, cùng với cuộc chiến giành thị phần giữa Saudi Arabia và Nga. Hồi đầu năm, giá dầu thô dao động 70 USD/thùng.

Tuần trước, các cuộc họp trực tuyến của OPEC+ diễn ra khó khăn khi vấp phải sự phản đối từ Mexico. Được yêu cầu cắt giảm 400.000 thùng/ngày nhưng Mexico chỉ đồng ý giảm 100.000 thùng/ngày, thấp hơn 10% sản lượng của quốc gia Mỹ Latinh này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện thuyết phục Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador và cả Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Quốc vương Salman của Saudi Arabia.

Đối với Saudi Arabia - nước giữ vai trò chi phối OPEC, trước khi có thỏa thuận nói trên, các thượng nghị sĩ Mỹ cảnh báo Riyadh tìm cách tăng sản lượng nhằm đánh tụt giá dầu, bất chấp các công ty dầu đá phiến ở nền kinh tế lớn nhất thế giới hứng chịu cú sốc về giá dầu đến mức có thể phá sản. Các nghị sĩ Mỹ kêu gọi Saudi Arabia hãy rời khỏi OPEC. Thượng nghị sĩ Kevin Cramer đến từ North Dakota nói: “Đây không phải là cách bạn bè ứng xử với bạn bè”. Một biểu hiện rõ về sự kiên quyết của Saudi Arabia trong việc giành thị phần là Thái tử Mohammed bin Salman hồi cuối tháng 3 cho phép Tập đoàn Aramco tăng sản xuất dầu thô lên đến 13 triệu thùng/ngày. Tổng thống Trump đã bắn tín hiệu với đồng minh Saudi Arabia rằng, Riyadh có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt và thuế quan về dầu mỏ nếu không cắt giảm lượng dầu đủ để cứu ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ.

Trong khi đó, Nga tuyên bố sẽ “đình chiến” với Saudi Arabia nếu Mỹ cắt giảm sản lượng dầu, nhưng đây là điều kiện khó đối với Tổng thống Trump. Sự can thiệp của chính phủ liên bang buộc các doanh nghiệp cắt giảm sản lượng là hành động vi phạm nguyên tắc thị trường tự do ở Mỹ. Tuy nhiên, theo Bộ Năng lượng Mỹ, do hệ quả từ việc giá dầu lao dốc, ngành sản xuất dầu của cường quốc này sẽ tự động cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày trong hai năm tới mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ chính phủ.
Giờ đây, ông Ed Morse, Trưởng bộ phận phân tích hàng hóa tại Citigroup nhận xét: “Các bên đã có những cuộc đối thoại chưa từng có tiền lệ về giảm sản lượng dầu. Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa Saudi Arabia và Nga nhằm có được thỏa thuận mới của OPEC+”.

Tuy nhiên, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng, thỏa thuận của OPEC+ vẫn chưa đủ. Ngân hàng này lý giải, việc cắt giảm tự nguyện của OPEC+ chỉ giúp sản lượng thực tế giảm 4,3 triệu thùng/ngày so với sản lượng trong quý 1-2020, nhưng điều kiện kèm theo là OPEC phải tuân thủ đầy đủ thỏa thuận trong tháng 5. Chưa thể khẳng định, thỏa thuận “có một không hai” của OPEC+ có làm đảo chiều được giá “vàng đen” hay không, nhưng thỏa thuận đa phương này là tín hiệu tốt giữa lúc nhiều khủng hoảng xảy ra cùng lúc như giá dầu và Covid-19.

Nhiều nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng và đánh giá cao thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ với hy vọng có thể đảo chiều giá “vàng đen” để ổn định thị trường dầu mỏ thế giới. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “OPEC+ đã hoàn thành thỏa thuận dầu mỏ và điều này sẽ cứu vãn hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ”.

Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo gọi đây là lần cắt giảm lịch sử và nhận định rằng thỏa thuận mở đường cho một liên minh toàn cầu với sự tham gia của G20. Trả lời Bloomberg, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman nói: “Chúng tôi đã chứng minh OPEC+ đang tồn tại. Tôi rất hài lòng về thỏa thuận này”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.