"Lệch pha" trong hệ thống chỉ huy-điều hành chống Covid-19 tại Mỹ

.

Trong các thảm họa đơn lẻ, chính quyền liên bang ủng hộ chính quyền các bang. Nhưng khi khủng hoảng phát triển lên quy mô toàn quốc, sự thiếu điều phối giữa hai cấp chính quyền có thể dẫn tới tình trạng rối ren.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Donald Trump tự gọi mình là “Tổng thống thời chiến” khi nước Mỹ phải chống lại “kẻ thù vô hình” là Covid-19. Thực tế, việc so sánh này không có gì là quá, khi chính phủ các nước trên thế giới và mọi cấp chính quyền ở Mỹ cùng với khu vực tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận và các cá nhân đều tìm cách đánh bại kẻ thù bệnh dịch.

Nhưng tại Mỹ, đằng sau vẻ quyết tâm và hy sinh chung là một thực tế không mấy dễ chịu: Mô hình liên bang, nhiều tầng nấc đang phải đối mặt với một cuộc kiểm nghiệm sinh tử, khi các bang luôn ở vào tình cảnh thiếu thốn thiết bị y tế và họ cùng hành động trước những gì mà chính quyền liên bang không làm và không thể làm cho họ.

Theo một số thống đốc bang, cách hành xử như vậy được thúc đẩy bởi thực tế Kho Dự trữ Chiến lược Quốc gia cạn kiệt, còn Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA) không có khả năng đáp ứng những nhu cầu này.

Tại các bang thuộc vùng Trung Tây, một tập đoàn liên kết nhiều bang đang phối hợp cùng nhau mua bán các thiết bị y tế, đồ bảo hộ để tránh cạnh tranh làm giá tăng cao. Tại bờ Tây, thống đốc bang Oregon và California cũng tuyên bố sẽ chuyển máy thở đến các bang khác khi số ca bệnh nặng tại hai bang này giảm. Thống đốc California Gavin Newsom còn sử dụng quyền lực hạn trong thẩm quyền của mình để mua hàng triệu đồ bảo hộ y tế cho nhu cầu sử dụng của bang, sau đó có thể giúp các bang láng giềng.

Đối với những quan chức gạo cội ngành y tế, việc chạy đua mua sắm máy thở, đồ bảo hộ cho thấy một thực tế Mỹ đã quá tự tin sau các dịch bệnh trong quá khứ, như dịch SARS vốn chỉ gây thương vong cho rất ít người. Việc chần chừ xét nghiệm đã làm chậm nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Mỹ cả tháng. Còn khi Covid-19 bùng phát, các hệ thống chỉ huy-điều hành không đáp ứng được nhiệm vụ - Bác sĩ Elias Zerhouni, Cựu Giám đốc Viện Y tế Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush bình luận. Ông thậm chí còn dùng hình ảnh so sánh “một nước giành chiến thắng trong chiến tranh không phải nhờ những người anh hùng, mà là nhờ có sự chuẩn bị hậu cần tốt”.

Chính khâu hậu cần này cũng đã cho thấy những hạn chế của mô hình chính quyền liên bang, nhiều tầng nấc mà ở đó mỗi một đầu mối đều đóng một vai trò quan trọng. Trong thảm họa các bang được xác định đóng vai trò tiên phong, còn chính quyền liên bang chỉ dừng mức hậu thuẫn, hỗ trợ. Nhưng khi thảm họa lên tầm quốc gia và thực tế là toàn cầu như hiện nay, hệ thống này không còn phù hợp.

Theo Joshua Sharfstein, chuyên gia y tế công tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, chính quyền liên bang được hiểu chỉ dừng ở ngưỡng cung cấp một khung kế hoạch hành động cho các bang thực thi. Bằng cách này, chính phủ đã tự từ bỏ chức trách, quyền hạn của mình theo nhiều cách thức khác nhau.

Ngay cả trong các thảm họa tầm mức khu vực, đôi khi vẫn phải cần đến biện pháp mạnh mẽ từ chính quyền liên bang. Đó là nhữn gì đã diễn ra sau trận siêu bão Katrina hủy hoại các khu vực duyên hải Vịnh Mexico hồi năm 2005, chính quyền các bang và địa phương không có đủ khả năng xử lý khủng hoảng. Những lãnh đạo tham gia vào quá trình đó sẽ là người có tiếng nói quyết định đến thành bại của chiến dịch.

Một phần thách thức hiện nay đến từ việc chính quyền Tổng thống Trump đang áp dụng một chuỗi điều hành đa tầng nấc. Tổng thống xuất hiện trên truyền hình hàng ngày và là người có quyền quyết định cao nhất. Đứng dưới ông Trumo là Nhóm Đặc trách chống Covid-19 tại Nhà Trắng với nhiều thành viên là quan chức cấp cao trong chính quyền. Kế đến là các cố vấn khác chuyên phụ trách từng lĩnh vực chống khủng hoảng. Website Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh hầu như chỉ biết phát đi những bình luận của Tổng thống, gây ra mối căng thẳng với các bang.

Theo Jeremy Konyndyk, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu và là cựu quan chức phụ trách viện trợ nước ngoài dưới thời Tổng tống Barack Obama, ở thời điểm hiện nay chính quyền liên bang bắt buộc phải nhận trách nhiệm thực thi chính sách bởi lẽ tình hình đã chuyển sang ngưỡng khủng hoảng quốc gia. Nhưng sẽ không thể áp dụng được nguyên tắc này nếu tổng thống không sẵn sàng ủng hộ và có vẻ như “Tổng thống muốn giành sự chú ý chứ không phải giành trách nhiệm”.
Việc kho Dữ trữ Chiến lược Quốc gia cạn kiệt nguồn hàng đã gây ra cuộc cạnh tranh giữa các bang với nhau và giữa các bang với chính quyền liên bang với mục đích cốt chỉ để mua được thiết bị bảo hộ cá nhân. “Chính quyền trung ương đã không thể điều hành được một thực thể chuyên làm nhiệm vụ mua và dữ trữ hàng hóa. Điều đó thật hài hước” - ông Konyndyk bày tỏ. 

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.