Thủ tướng Nhật Bản chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19

.

Ngày 7-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số tỉnh của nước này để ứng phó với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trước). Ảnh: Voice of America
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trước). Ảnh: Voice of America

Tân Hoa Xã và truyền thông Nhật Bản đưa tin Thủ tướng Abe tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực từ ngày 8-4 và kéo dài tới ngày 6-5. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp để đối phó với đại dịch.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Abe nói: “Tôi quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp bởi vì chúng ta đã bước vào giai đoạn sự lây lan của virus nhanh hơn và trên phạm vi toàn quốc, cũng như đối mặt với nguy cơ tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế”.

Theo Kyodo, lệnh tình trạng khẩn cấp trên sẽ không đồng nghĩa với lệnh phong tỏa. Thủ tướng Abe dự kiến có cuộc họp báo lúc 19h ngày 7-4 theo giờ địa phương để giải thích về quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực trong khoảng 1 tháng đối với Tokyo, Kanagawa, Saitama, Osaka, Chiba, Hyogo và Fukuoka. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho hay nước này cũng sẽ tăng gấp đôi số ca tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày, lên 20.000 trường hợp. Thủ tướng Abe tuyên bố ông cũng sẽ sớm công bố gói cứu trợ, trị giá 108.000 tỷ yen (989 tỷ USD) nhằm ứng phó với những tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế thứ 3 thế giới.

Theo Thủ tướng Abe, quy mô của gói cứu trợ tương đương với 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản. Gói cứu trợ này lớn hơn nhiều so với gói cứu trợ, trị giá 56.800 tỷ yen mà Tokyo đã đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Dự kiến, chi tiết của gói cứu trợ sẽ được công bố ngay trong ngày 7-4.

Thống kê của Chính phủ Nhật Bản, công bố ngày 6/4, cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân nước này trong tháng 3 vừa qua đang ở mức 30,9. Đây là mức giảm tháng thứ 3 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 3-2009.

Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng hạ đánh giá cơ bản, theo đó cho rằng niềm tin của người tiêu dùng đang "xấu đi". Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4-2011, Văn phòng Nội các Nhật Bản sử dụng cụm từ trên.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các ca nhiễm liên tục tăng tại nhiều địa phương ở Nhật Bản, trong đó thủ đô Tokyo trong ngày 5-4 đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục là 148 ca, khiến chính phủ phải cân nhắc đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn. Trước đó, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã kêu gọi cư dân thành phố tránh ra ngoài nếu không cần thiết trong những ngày cuối tuần và khuyến khích họ làm việc tại nhà.

Theo nguồn tin trên, tình trạng khẩn cấp sẽ chỉ áp dụng đối với một số khu vực có số người nhiễm gia tăng nhanh chóng, thay vì biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đang được nhiều nước khác trên thế giới triển khai. Bước đi này sẽ cho phép thống đốc các khu vực bị ảnh hưởng được quyền yêu cầu, song không phải ra lệnh, người dân ở trong nhà và kêu gọi mọi hình thức kinh doanh tụ tập đông người đóng cửa.

Chỉ thị này cũng cho phép huy động các khu đất và tòa nhà phục vụ cho các mục đích y tế. Tuy nhiên, việc khuyến cáo người dân ở trong nhà không mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Ngoài ra, các phương tiện giao thông công cộng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động và các siêu thị, ngân hàng cũng như bệnh viện vẫn mở cửa.

Tính tới chiều 6-4, Nhật Bản ghi nhận khoảng 3.654 trường hợp mắc Covid-19 trên cả nước, trong đó có 85 ca tử vong. Ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại nước này là vào giữa tháng 1. Thủ tướng Abe đã kêu gọi đóng cửa trường học trên toàn quốc từ tháng 2 nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Tính tới chiều 7-4 (theo giờ Việt Nam) số liệu trang web worldometers.info cho thấy Nhật Bản đã có tổng cộng 3.906 ca mắc bệnh Covid-19, trong đó có 92 trường hợp tử vong.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.