WHO cảnh báo Covid-19 không kết thúc sớm

.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, đại dịch Covid-19 sẽ không kết thúc sớm, đồng thời bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc lại việc ngừng tài trợ cho tổ chức này.

Mỹ hiện có hơn 840.000 ca nhiễm và 46.700 ca tử vong. Trong ảnh: Bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Liacouras thuộc Đại học Temple, bang Philadelphia (Mỹ). Ảnh: AP
Mỹ hiện có hơn 840.000 ca nhiễm và 46.700 ca tử vong. Trong ảnh: Bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Liacouras thuộc Đại học Temple, bang Philadelphia (Mỹ). Ảnh: AP

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 22-4 (giờ địa phương), ông Tedros cho biết, một số quốc gia vẫn ở giai đoạn đầu của dịch bệnh. Nhiều nơi ở châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ đang chứng kiến “xu hướng đi lên đáng lo ngại” của Covid-19 giai đoạn đầu, trong khi các nước bị ảnh hưởng sớm hơn bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại số ca nhiễm. Trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 ở Somalia tăng gần 300%. “Đừng mắc sai lầm, chúng ta còn đường dài phải đi. Virus này sẽ chung sống với chúng ta trong thời gian dài”, ông Tedros nói.

WHO đề nghị các nước tiếp tục tập trung chuẩn bị ứng phó dịch bệnh. Theo số liệu của tổ chức này, chỉ 76% các nước có hệ thống giám sát để phát hiện các ca mắc Covid-19. Ông Tedros hy vọng Mỹ cân nhắc lại việc ngừng tài trợ WHO, đồng thời cho rằng đây là “khoản đầu tư quan trọng, không chỉ giúp các quốc gia khác mà còn giúp Mỹ an toàn”.

Tuần trước, Tổng thống Trump chỉ trích cách xử lý đại dịch của WHO và tuyên bố sẽ ngừng tài trợ. Năm 2019, Mỹ là quốc gia tài trợ nhiều nhất cho WHO với số tiền lên đến 400 triệu USD, chiếm 15% ngân sách của cơ quan y tế này. WHO đang tìm kiếm hơn 1 tỷ USD để chống lại Covid-19. Ngày 23-4, Trung Quốc tuyên bố sẽ tài trợ thêm 30 triệu USD cho WTO. “Trong thời điểm quan trọng này, việc ủng hộ WHO là ủng hộ chủ nghĩa đa phương và sự đoàn kết toàn cầu”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh và cho biết Bắc Kinh đã góp 20 triệu USD cho WHO vào ngày 11-3.

Theo AFP, Mỹ hiện là quốc gia hiện bị ảnh hưởng Covid-19 nặng nề nhất thế giới với hơn 840.000 ca nhiễm và 46.700 ca tử vong. Song, các nhà nghiên cứu chỉ ra những ca tử vong đầu tiên ở Mỹ đã xuất hiện từ nhiều tuần trước khi mọi người biết đến, chứng tỏ các con số thống kê hiện tại có thể thấp hơn nhiều so với thực tế. Nhóm nghiên cứu trường Đại học Stanford (Mỹ) nhận định: Số ca nhiễm thực tế ở Mỹ cao hơn ít nhất 50 lần so với con số thống kê chính thức.

Chuyên gia hàng đầu về các vấn đề khẩn cấp của WHO Mike Ryan kêu gọi các nước không mở cửa giao thương, đi lại quá sớm. Các quan chức WHO cũng đề nghị các chính phủ tiếp tục duy trì những biện pháp cách ly nghiêm ngặt cho đến khi có vaccine hữu hiệu. Với tốc độ nghiên cứu và thử nghiệm hiện tại, phải mất vài tháng nữa thế giới mới có cách ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả.

Một số quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nhưng vẫn cấm tập trung đông người. Tây Ban Nha khẳng định sẽ không dỡ các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt cho đến giữa tháng 5. Úc đang cân nhắc nới lỏng một số biện pháp kiểm dịch nhưng có thể vẫn duy trì việc đóng cửa biên giới từ 3-4 tháng tới. Theo Giám đốc Quỹ từ thiện y tế toàn cầu Wellcome Trust Jeremy Farrar, người dân toàn cầu sẽ cần học cách sống chung với Covid-19.

Theo thống kê của WHO, hiện thế giới có tổng cộng hơn 2,6 triệu người mắc Covid-19 và 183.000 người tử vong.

KHANG NINH
 

;
;
.
.
.
.
.